Làm rõ bí ẩn sự mất tích của những “bảo vật gia truyền” tại miền Tây
Những bộ trường kỷ, ghế ghi, lư đồng… cổ được truyền thừa qua nhiều thế hệ, lưu giữ trong các gia đình, đình, chùa ở vùng sông nước Tây Nam Bộ bỗng “không cánh mà bay” một cách bí ẩn. Khu resort Thiên Đàng báo mất đồ cổ giá nhiều tỷ đồng/ Bắt nữ quái chuyên chôm đồ thờ cúng/ Chuyên trộm đồ thờ cúng tại các nhà thờ họ/ Trụ trì ăn trộm đồ thờ cúng
Điểm trùng hợp là trước khi “biến mất” khỏi nơi trưng bày, từng xuất hiện người xưng là “chuyên gia” săn lùng, sưu tập đồ cổ đến để… nghía qua. Có “chuyên gia” trước khi rút lui, đã ngã giá mua những món “bảo vật gia truyền” với giá lên đến bạc tỷ. Lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp vào sáng 21/11 cho biết vừa giải mã những bí ẩn này.
Các đối tượng liên quan đến “bí ẩn” này, bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố, gồm: Trần Văn Oai (51 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang); Trương Văn Mao (55 tuổi); Phùng Tấn Thành (33 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đồng Tháp); Nguyễn Hữu Châu (21 tuổi); Đào Văn Út (Út Cuội, 46 tuổi); Đào Thanh Sang (25 tuổi, cùng tỉnh An Giang) về hành vi trộm cắp tài sản; Nguyễn Văn Út (Út Hẩy, 46 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Theo cơ quan điều tra, từ cách nay hơn một năm, trên địa bàn các huyện Thanh Bình, Châu Thành, Cao Lãnh, Tam Nông và TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) xảy ra hàng loạt vụ mất trộm tài sản là các loại đồ cổ có giá trị.
Quá trình khám nghiệm hiện trường và trình bày của các bị hại, phương thức thủ đoạn của băng nhóm này hết sức tinh vi và am hiểu giá trị của các món đồ cổ. Anh Phạm Phước Lành (40 tuổi, ngụ thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) kể: “Gia đình tôi bị trộm đột nhập lấy chiếc ghế ghi bằng gỗ mun màu đen, có cẩn xà cừ rất quý. Ghế có chiều cao và chiều ngang đều 1,2m, dày 7cm, được truyền từ đời cố nội đến tôi là đời thứ 4. Gia đình rất quý chiếc ghế ghi, đặt trang trọng giữa nhà sử dụng trong việc thờ cúng ông bà, tổ tiên”. Trước ngày mất trộm, có 2 người xưng là “chuyên gia đồ cổ” đến hỏi mua với giá hàng trăm triệu đồng nhưng gia đình anh Lành không bán. Qua hôm sau, khoảng 1 giờ đêm, mẹ anh Lành phát hiện cửa chính mở toang, chiếc ghế ghi biến mất.
Ông Trần Văn Lển (58 tuổi, ngụ ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) thường ngủ vào ban đêm ở chùa Bửu Tháp để trông chùa nhưng vị trí nằm cách xa chính điện. Trong chùa có chiếc lư hương cổ bằng đồng (màu đen, chưa xác định niên đại) được phật tử hiến tặng từ mấy chục năm trước bị kẻ gian đột nhập lấy trộm lúc rạng sáng. “Gần vị trí chiếc lư hương có 2 chân đèn bằng đồng nhưng không bị mất trộm, bọn chúng chỉ lấy đúng chiếc lư hương cổ”, ông Lển nói.
Quá trình điều tra, đến cuối tháng 7/2015, Phòng PC45 Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt giữ đối với Trần Văn Oai và Nguyễn Văn Út (Út hẩy). Qua điều tra, Oai là một chuyên gia, có kiến thức am hiểu và chuyên hoạt động mua bán đồ cổ trên địa bàn các tỉnh, thành miền Tây và TP.HCM. Út hẩy đã mua nhiều món đồ cổ quý từ Oai, do trộm cắp mà có. Theo lời khai của Oai, do hoạt động trong lĩnh vực đồ cổ, Oai biết rõ giá trị của những món đồ và những gia đình, đình, chùa có lưu giữ những món đồ quý giá. Tuy nhiên, đây là những “bảo vật gia truyền” dù nhiều lần đến hỏi và ra giá cao nhưng Oai chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Để thực hiện các phi vụ trộm đồ cổ, Oai kết nạp dưới trướng Đào Văn Út (Út cuội). Út cuội là đối tượng được tha tù vào ngày 3/6/2014 về tội trộm cắp tài sản, có 6 tiền án về các tội gá bạc, trốn khỏi nơi giam giữ, trộm cắp tài sản. Năm 15 tuổi, Út cuội bị Công an huyện Chợ Mới (An Giang) bắt giữ về hành vi đánh bạc. Ngoài Út cuội, Oai còn quy tụ “đàn em” với “tiền án, tiền sự nhiều hơn tiền mặt”, như Đào Thanh Sang, Phùng Tấn Thành, Nguyễn Hữu Châu. Xong, Oai lên kế hoạch chi tiết cho các vụ đột nhập để trộm đồ cổ.
“Trước khi gây án, Oai cùng đàn em đến nhà hỏi mua đồ cổ, xem xét rất tỉ mỉ để thăm dò, xác định giá trị của món hàng. Sau đó, chờ đêm tối, Oai chỉ đạo cho Út cuội cùng đàn em đến lấy trộm. Oai hoạt động trong lĩnh vực mua bán đồ cổ, có nhiều mối quan hệ nên nhanh chóng tiêu thụ những món đồ này cho các đầu mối ở Đồng Tháp, Mỹ Tho, TP Hồ Chí Minh”, lãnh đạo Phòng PC45 kể thêm. Quá trình gây án, Oai mở rộng địa bàn ra các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu.
Rạng sáng 7/8/2014, Oai chỉ đạo đàn em đột nhập vào nhà anh Huỳnh Hữu Lộc (40 tuổi, ngụ xã Tân Thanh, huyện Cái Bé, tỉnh Tiền Giang) lấy trộm bộ trường kỷ bằng cây Gõ Mật, gồm: 2 ghế dài (mỗi ghế cao 0,58m, dài 1,82m); một cái bàn ngang 0,58m, dài 1,27m, cao 0,81m cùng 4 ghế Tu Nê. Anh Lộc cho biết, bộ trường kỷ này được gia đình mua từ trước năm 1975, trị giá trên 200 triệu đồng.
“Qua mối quan hệ của mình, Oai nhờ người giới thiệu đến nhà của một hộ dân có bộ ván ngựa bằng gỗ trắc quý ở Bạc Liêu. Oai đến xem rất tỉ mỉ, ngã giá hàng trăm triệu đồng nhưng gia chủ nhất quyết không bán. Sau khi lấy trộm, Oai mang đi bán được hơn 200 triệu đồng và chuyển ra Bắc Ninh bán lại với giá trên 400 triệu đồng” - một điều tra viên cho biết.
Bà Đoàn Thị Lý (76 tuổi, ngụ xã Ninh Thành Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) kể, bộ ván ngựa được làm bằng gỗ trắc, 4 tấm dài 2,6m, ngang 1,6m trước ngày bị mất trộm, 2 con chó của gia đình bị đánh bả, xung quanh có rất nhiều đầu gà nướng. Đến khoảng 5h sáng, gia đình phát hiện cửa chính căn nhà mở toang, bộ ván ngựa bị mất trộm. “Hai ngày trước đó, nhiều người lạ mặt đến xem rất tỉ mỉ, hỏi mua với giá gần 200 triệu đồng nhưng gia đình nhất quyết không bán thì bị mất trộm”, chị Võ Diệu Cương - con gái bà Lý kể.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã chứng minh làm rõ, Oai cùng với đồng bọn gây ra 11 vụ trộm đồ cổ, khắp các tỉnh miền Tây, với tổng trị giá lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều tài sản sau khi trộm được, các đối tượng đã bán sang Trung Quốc.
Theo Binh Huyền – Văn Vĩnh
Công an nhân dân