Kiến nghị điều tra những người tiếp tay cho Huyền Như
(Dân trí) - Sau khi tuyên án vụ án xảy ra tại Navibank, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện KSND Tối cao tiếp tục điều tra làm rõ có hay không việc các lãnh đạo, nhân viên Vietinbank tiếp tay giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt số tiền 200 tỉ đồng từ Navibank.
Sáng 15/8, sau 3 ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên án đối với 10 cựu cán bộ Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank, nay là Ngân hàng Quốc dân) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, HĐXX bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank) 13 năm tù, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn, Cao Kim Sơn Cương (nguyên Phó tổng giám đốc Navibank) cùng 12 năm tù. Ngoài ra, 3 đồng phạm khác của Trí cũng bị HĐXX bác kháng cáo kêu oan tuyên y án sơ thẩm.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình đối với các bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng pháp chế), Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng phòng quản lý rủi ro), Đinh Thị Đoan Trang (nguyên Trưởng phòng dịch vụ khách hàng) từ 7 năm tù xuống 6 năm tù.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa, HĐXX nhận định có đủ căn cứ tuyên phạt các bị cáo tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, không có căn cứ xem xét đơn kháng cáo của 7 bị cáo.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định việc luật sư cho rằng điều tra viên mớm cung, ép cung là không có cơ sở vì các bị cáo đều tại ngoại suốt quá trình điều tra, lấy lời khai theo đúng quy định nên không có căn cứ chấp nhận lời bào chữa.
Việc Viện kiểm sát không đưa các tài liệu như sao kê, bản án phúc thẩm số 02... liên quan đến số tiền chiếm đoạt tại Navibank, dẫn đến thiếu tính xác thực. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy điều này không ảnh hưởng đến tính chất của vụ án.
Xuất phát từ chủ trương xấu, hội đồng Alco của Navibank đã họp và quyết định cho nhân viên vay tiền để gửi tiền vào Viettinbank để hưởng lãi suất cao. Bản chất số tiền đem gửi là của Navibank nên các bị cáo đã vi phạm điều 1, thông tư 02 và điều 94 luật Các tổ chức tín dụng. Hậu quả đã xảy ra, đủ cơ sở kết luận các bị cáo vi phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ những lập luận trên, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa các bị cáo không phạm tội của các luật sư và các bị cáo. HĐXX nhận định đủ cơ sở để cáo buộc các bị cáo tội danh như trên.
HĐXX cho rằng, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần thiết phải tuyên phạt các bị cáo mức án tương xứng để có giáo dục răn đe, phòng ngừa chung. Trong quá trình xét xử cấp sơ thẩm, cũng cân nhắc, xem xét cho các bị cáo một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo Oanh, Trang, Hiền có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, vai trò trong vụ án có phần hạn chế nên có căn cứ xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện Navibank thừa nhận thiệt hại 200 tỉ đồng nhưng cho rằng trách nhiệm bồi thường thuộc về Viettinbank. Vì Navibank cho vay đúng quy định, hiện số tiền này đang ở Vietinbank.
HĐXX cho rằng trách nhiệm dân sự đã được giải quyết bằng 2 bản án hình sự sơ thẩm số 46 của TAND TPHCM, bản án hình sự phúc thẩm số 02 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM. Hai bản án này đã có hiệu lực pháp luật nên không xem xét lại tại vụ án này. Như vậy, Huỳnh Thị Huyền Như phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này.
Ngoài ra, HĐXX cũng buộc Navibank phải nộp lại hơn 24,3 tỉ đồng tiền lãi suất hưởng lợi để sung công quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cũng trong phần tuyên án, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện KSND Tối cao tiếp tục điều tra làm rõ có hay không việc các lãnh đạo, nhân viên Vietinbank tiếp tay giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt số tiền 200 tỉ đồng từ Navibank. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các các nhân có hành vi giúp sức, sai phạm sẽ đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật.
Xuân Duy