1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hà Nội:

Không phải cứ là điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên là được hành nghề Công chứng

(Dân trí) - Đó là điểm mới của luật Công chứng năm 2014, quy định rõ điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên phải có đủ 5 năm công tác trở lên và phải học qua khóa đào tạo mới được hành nghề công chứng.

Công chứng viên được từ chối công chứng các hợp đồng vi phạm đạo đức xã hội

Sáng nay, 21/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành luật công chứng năm 2014. Theo đó, luật công chứng năm 2014 có nhiều điểm khác biệt so với luật công chứng năm 2006.

Không phải cứ là điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên là được hành nghề Công chứng


Ông Nguyễn Khái Hưng, Phó Cục trưởng Cục bổ trợ tư pháp khẳng định luật công chứng năm 2014 được siết chặt hơn, không phải cứ là điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên hay luật sư là được bổ nhiệm công chứng viên. 

Theo ông Nguyễn Khái Hưng, Phó Cục trưởng Cục bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, luật công chứng năm 2014 quy định chặt chẽ hơn luật công chứng năm 2006 về tiêu chuẩn công chứng viên. Cụ thể, người được bổ nhiệm công chứng viên là người đã có bằng cử nhân luật và được đào tạo nghề công chứng 12 tháng thay vì thời gian 6 tháng như trước kia, chứ không phải cứ là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán hay luật sư là được làm công chứng.

Ông Hưng cho biết, những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng về cơ bản được giữ nguyên theo luật công chứng năm 2006. Tuy nhiên điều kiện để được miễn đào tạo nghề công chứng theo luật công chứng năm 2014, cũng được thắt chặt hơn, theo đó người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên , điều tra viên từ 5 năm trở lên, luật sư phải hành nghề từ 5 năm trở lên mới được miễn đào tạo nghề công chứng.

Mặt khác, người được miễn đào tạo nghề công chứng phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng trong thời gian ba tháng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Người được miễn đào tạo nghề công chứng chỉ được giảm một phần hai thời gian tập sự (phải tập sự 6 tháng) chứ không được miễn hoàn toàn việc tập sự như trước.

Theo ông Nguyễn Khái Hưng, việc bổ nhiệm công chứng viên theo luật công chứng năm 2014, được quy định chặt chẽ. Cụ thể, việc bổ nhiệm công chứng viên được thực hiện theo một thủ tục chung cho cả hai đối tượng được miễn đào tạo và không được miễn đào tạo nghề công chứng; các giấy tờ trong thành phần hồ sơ cũng được quy định phù hợp hơn nhằm đảm bảo người đề nghị bổ nhiệm chỉ phải nộp những giấy tờ thực sự cần thiết.

Các trường hợp không được bổ nhiệm và các trường hợp miễn nhiệm công chứng viên cũng được quy định cụ thể, rõ ràng hơn làm cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục tương ứng. Bên cạnh đó, lần đầu tiên việc bổ nhiệm lại đối với người đã từng làm công chứng viên cũng được quy định rõ trong luật. Theo đó người được miễn nhiệm công chứng viên được xem xét bổ nhiệm lại công chứng viên khi có đề nghị bổ nhiệm lại; người bị miễn nhiệm công chứng viên được xem xét bổ nhiệm lại công chứng viên khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn công chứng viên và lý do miễn nhiệm không còn, trừ trường hợp không được bổ nhiệm lại.

Về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên như: quyền được bảo đảm quyền hành nghề, được tham gia thành lập Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng cho tổ chức hành nghề công chứng, được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội...

Về nghĩa vụ của công chứng viên, Luật công chứng năm 2014 cũng bổ sung một số nghĩa vụ đối với công chứng viên, như nghĩa vụ giải thích rõ lý do khi từ chối yêu cầu công chứng, tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm, tham gia tổ chức xã hội –nghề nghiệp của công chứng viên và chịu sự quản lý của tổ chức xã hội –nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên...

Luật công chứng 2014 được mở rộng

Theo ông Nguyễn Khái Hưng, Phó Cục trưởng Cục bổ trợ tư pháp, luật công chứng năm 2014 được mở rộng hơn so với luật công chứng năm 2006. Theo đó, công chứng viên được giao nhiệm vụ công chứng bản dịch, chịu trách nhiệm đảm bảo nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Đối với cộng tác viên, phải là người của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên là người đã tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện còn công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch mình công chứng.

Bên cạnh nhiệm vụ công chứng, công chứng viên cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ kí trong giấy tờ văn bản. Tuy nhiên, việc chứng thực này được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Theo ông Hưng, luật công chứng năm 2014, quy định công chứng viên cung cấp dịch vụ công do nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm đảm bản an toàn pháp lí tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức; ổn định phát triển Kinh tế - xã hội.

Về vấn đề thành lập Văn phòng công chứng chỉ có một loại hình văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, không có thành viên góp vốn.

Tuấn Hợp