1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Khi Anh hùng cũng gục ngã vì tiền

Đầu năm 2022, một phiên tòa đã diễn ra khi cận kề ngày Tết nguyên đán, bị cáo từng là một Anh hùng lao động, một thầy thuốc nhân dân giỏi chuyên môn, nhưng cuối cùng lại gục ngã vì tiền.

Ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc mà tự quyết để Công ty BMS mang thiết bị đến bệnh viện, rồi hưởng lợi. 

Trục lợi trên nỗi đau của bệnh nhân

Sáng 20-1, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cùng 7 bị cáo khác ra xét xử gồm: Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó Giám đốc); Trịnh Thị Thuận (Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán); Lý Thị Ngọc Thủy (Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán); Phạm Đức Tuấn (cổ đông sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS); Ngô Thu Huyền (cựu Phó Giám đốc Công ty BMS); Trần Lê Hoàng (nguyên thẩm định viên Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội- VFS) và Phan Minh Dung (cựu Tổng giám đốc Công ty VFS).

Khi Anh hùng cũng gục ngã vì tiền - 1

Các bị cáo tại phiên tòa.

Cách đây vài tháng, khi ông Nguyễn Quốc Anh bị khởi tố, bắt giam thì nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân vẫn không thể tin được tại sao ông Quốc Anh có thể mắc sai lầm lớn đến thế. Ông Nguyễn Quốc Anh từng là PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động… Ông có gần 30 năm công tác và gắn bó với Bệnh viện Bạch Mai. Một trong những đóng góp đáng kể nhất của ông Nguyễn Quốc Anh là gây dựng và phát triển Khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện, áp dụng và triển khai các kỹ thuật mới vào điều trị bệnh nhân. Đang là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, được bạn bè đồng nghiệp kính nể, thế nhưng chỉ vì vụ lợi, ông Quốc Anh đã đánh mất tất cả.

Theo cáo trạng, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trực thuộc Bộ Y tế. Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thực hiện nhiều đề án xã hội hóa liên danh, liên kết, trong đó có việc lắp đặt các hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật giữa Bệnh viện và Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS. Xuất phát từ việc biết Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa, khoảng tháng 5-2016, Phạm Đức Tuấn đến gặp ông Nguyễn Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp các hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật cho bệnh viện.

Khi Anh hùng cũng gục ngã vì tiền - 2

Dẫn giải các bị cáo ra xe chuyên dụng.

Tuấn giới thiệu về Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS là đơn vị phân phối hệ thống robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não và robot Mako hỗ trợ phẫu thuật khớp gối, đề nghị được cung cấp, bán hai hệ thống này với giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, ông Quốc Anh không đồng ý mua mà đề nghị Phạm Đức Tuấn làm đề án liên danh, liên kết để đặt máy tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi đồng ý cho Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS là đối tác tham gia đề án, ông Quốc Anh đã không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai để thống nhất chủ trương làm đề án liên danh, liên kết, lựa chọn đối tác, chủng loại thiết bị.

Ông Nguyễn Quốc Anh chỉ đạo Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền cùng Phòng tài chính - kế toán Bệnh viện Bạch Mai hoàn thiện các thủ tục để liên doanh với Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS. Phạm Đức Tuấn đã liên hệ với Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) để thỏa thuận việc cấp chứng thư thẩm định giá robot Rosa 39 tỷ đồng, robot Mako 44 tỷ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai, nhằm hợp thức hóa giá thiết bị đưa vào liên doanh, liên kết với bệnh viện.

Cơ quan điều tra xác định, Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỷ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.

Sa ngã vì tiền

Trong vụ án này, đau lòng nhất khi người chủ mưu đóng vai trò chính lại là ông Nguyễn Quốc Anh, bị cáo Tuấn giúp sức tích cực, tạo điều kiện để cho Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng. Tại phiên tòa, ông Quốc Anh thừa nhận sai phạm của mình nhưng cho rằng, cáo trạng có một số điểm chưa chính xác, như cáo buộc ông thông đồng với Phạm Đức Tuấn để triển khai lắp đặt hệ thống robot trái quy định.Trước khi thực hiện đề án liên danh liên kết, ông Quốc Anh không hề quen biết Tuấn. Đến tháng 5-2016, khi cấp dưới của ông đưa Tuấn đến gặp, đề nghị việc mua hai hệ thống robot Rosa và robot Mako thì ông mới biết Tuấn. Tuy nhiên, sau khi ông thảo luận với các cán bộ khác ở bệnh viện, nhận thấy chi phí quá lớn nên thống nhất không mua. Dù vậy, ông Quốc Anh vẫn mong muốn các khoa có được thiết bị này để cứu chữa cho người bệnh.

Có thể ngay từ ban đầu, ý định đưa hai hệ thống Robot này về là xuất phát từ tấm lòng muốn cứu giúp người bệnh nghèo của ông Quốc Anh thật sự. Bởi theo lời khai của ông, ông từng nghe cấp dưới kể rằng, phải sang Singapore để chữa trị ung thư, chi phí hết hơn 1 tỉ đồng chưa kể tiền ăn ở. Nhưng nếu mang được 2 robot này về, mỗi bệnh nhân sẽ chỉ phải trả 150 triệu đồng, không phải sang nước ngoài điều trị nữa. Trong lần liên kết này, Bệnh viện Bạch Mai được hưởng tới 50%. Sau 7 năm máy sẽ hoàn toàn là của bệnh viện, không phải chịu khấu hao nữa nên giá điều trị sẽ rất rẻ.

Khi Anh hùng cũng gục ngã vì tiền - 3

Bị cáo Phạm Đức Tuấn

Thế nhưng sai lầm lớn nhất của ông Quốc Anh ở chỗ, là người đứng đầu một bệnh viện lớn, là người hiểu biết pháp luật, lẽ ra ông phải hiểu biết mọi quy định trong liên danh, liên kết và đấu thầu. Không thể lấy lý do trong quá trình triển khai "không hiểu biết cụ thể", "quy định rất chung chung" để đổ lỗi cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Bởi nếu "không hiểu biết cụ thể" vì "quy định chung chung" thì càng không thể tự ý quyết định mọi việc không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai và càng không thể thực hiện liên danh, liên kết khi bản thân chưa chắc chắn về quy định liên danh liên kết và đấu thầu.

Ông Quốc Anh đã tự ý chủ trì cuộc họp, thông qua đề án liên kết đặt robot phẫu thuật tại viện song không công bố giá máy và đơn vị cung cấp máy. Quá trình thực hiện đề án không có văn bản đề xuất lắp đặt máy của Khoa Phẫu thuật thần kinh đối với Robot Rosa, của Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống đối với Robot Mako; không có quyết định phê duyệt đề án, quyết định phê duyệt đối tác đặt robot; không thông qua Phòng Vật tư thiết bị thẩm định giá thiết bị…

Ông Quốc Anh cũng khai nhận rằng, số tiền ông nhận từ Phạm Đức Tuấn mỗi lần chỉ vài chục triệu đồng, một vài nghìn đô và cho đó là quà biếu những ngày lễ Tết. Toàn bộ số tiền ông cũng không giữ lại mà đưa lại thư ký "chia đều cho các bộ phận". Cho dù mục đích của ông cũng chỉ là kiếm tiền về cho bệnh viện, cho đồng nghiệp nhưng lại để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến gánh nặng chi phí chữa trị đè nặng lên bệnh nhân nghèo. Một con robot Rosa chỉ có giá 7,4 tỷ đồng được Tuấn khai khống lên thành 39 tỷ đồng đã khiến một ca phẫu thuật của bệnh nhân tăng thêm hơn 16 triệu đồng so với thực tế.

Khi Anh hùng cũng gục ngã vì tiền - 4

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh (trái)

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại quyền lợi ích của người bệnh. Trong vụ án này, các bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn, có nghiệp vụ chuyên sâu, đáng lẽ phải là người tiên phong đi đầu trong lĩnh vực mình công tác... Tuy nhiên, các bị cáo đã làm trái công vụ, dẫn đến việc thiệt hại tăng chi phí khám chữa bệnh, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của Bệnh viện Bạch Mai…

Sau vụ án của ông Nguyễn Quốc Anh, ông Nguyễn Quang Tuấn, người giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sau khi ông Nguyễn Quốc Anh bị bắt cũng bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" trong thời gian còn làm ở Bệnh viện Tim Hà Nội. Trong đó, ông Nguyễn Quang Tuấn đã ký một số văn bản có liên quan. Theo Bộ Công an, sai phạm của ông Nguyễn Quang Tuấn cùng các đồng nghiệp đã làm tăng chi phí, gây thiệt hại hơn 40 tỉ đồng cho tài sản Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Không còn gì đau lòng hơn khi những người từng là thầy thuốc ưu tú, những giáo sư, tiến sĩ từng có nhiều thành tích về y khoa, là những chuyên gia hàng đầu trong ngành y tế, phút chốc lại gục ngã vì tiền. Ông Nguyễn Quang Tuấn từng được mệnh danh là đôi bàn tay vàng mổ tim, một chuyên gia đầu ngành y về tim mạch, từng cứu sống biết bao nhiêu sinh mệnh con người. Nhưng cuối cùng chính ông lại bị sa ngã, lại bị chôn vùi sinh mệnh của mình bằng đôi bàn tay ấy.

Theo Trâm Anh

Công an nhân dân