Huyền thoại đội SBC: “Đại bàng” trên phố
(Dân trí) - Nhận định đội săn bắt cướp (SBC) từng là nỗi khiếp sợ của tội phạm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đề nghị ngành công an sớm lập lại đội quân thiện chiến này để trấn áp tội phạm. Những chiến công vang đội của đội SBC ngày ấy đến nay nhắc lại vẫn là nỗi khiếp đảm của giới tội phạm.
Sài Gòn những năm đầu giải phóng đặc biệt phức tạp về an ninh trật tự. Hàng nghìn lưu manh, côn đồ trốn thoát từ nhà giam và những binh lính, sĩ quan quân đội của chính quyền cũ với “hàng nóng” trong tay đã tập hợp thành những băng nhóm tội phạm khét tiếng. Những băng nhóm này hoạt động rất liều lĩnh, giết người không ghê tay công khai ngay trên đường phố, trong cơ quan giờ hành chính, nhà riêng... gây nên nỗi hoang mang, khiếp sợ cho người dân.
Chỉ trong hơn 3 năm, từ 1975 đến 1978, trên toàn thành phố đã xảy ra 45.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có tới gần 1.400 vụ cướp. Tính ra cứ 40 phút lại có một vụ án. Đã có tới gần 170 người bị bắn chết, gần 200 người bị thương; tài sản bị cướp gồm hơn 1.200 lượng vàng, gần 70 viên kim cương, 15 ôtô, 370 xe máy, 460 đồng hồ...
Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an thành phố đã lên phương án thành lập ra một lực lượng chống cướp giật tinh nhuệ. Tháng 3/1978, 5 đội săn bắt cướp (gọi tắt là SBC) thuộc phòng Cảnh sát hình sự thành phố và Công an quận 1 được thành lập gồm 72 cán bộ chiến sĩ được tuyển lựa kỹ càng. Hai tháng sau đó, có thêm Đội SBC thuộc Công an quận 5 cùng với phương châm hoạt động là “bí mật, cơ động, chủ động phòng ngừa, liên tục tấn công”.
Các thành viên đội SBC được không quá 30 tuổi và được tuyển chọn kỹ lưỡng bằng các màn võ thuật, bắn súng, chạy xe tốc độ cao…,thế hệ đầu tiên của đội SBC ngày ấy gieo nỗi khiếp đảm cho giới tội phạm gồm Đại úy Hai Thành (Đội trưởng đầu tiên của đội SBC), Phan Thanh (tức Ba Tung), Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn…
Đội SBC cũng được tạo “đặc quyền” hoạt động khi thi hành công vụ là được vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, ngược chiều, được bắn đối tượng phạm tội nếu sau 2 phát cảnh cáo vẫn không đầu hàng hoặc có thể bắn chết luôn nếu đối tượng có vũ khí, hung hãn, ngoan cố. Tuy nhiên, các trinh sát phải tuyệt đối giữ bí mật về nội dung công tác ngay cả với người thân, thực hiện nhiệm vụ theo lệnh điều động của chỉ huy 24/24.
“Ngựa chiến” của các chiến sĩ SBC ngày ấy là những chiếc xe Honda 67 được xoáy nòng có thể chạy lên đến tốc độ 100km/h. Lính SBC được nhiều người biết đến với biệt tài vừa chạy xe tốc độ cao, vừa bắn súng trấn áp tội phạm. Thời ấy, đội SBC được ví như “đại bàng” trên phố với những cú bay người dùng thế võ quật ngã tội phạm.
Với lực lượng rất ít so với bọn tội phạm lẩn khuất trong bóng tối, nhưng lực lượng SBC đã chiến đấu với hơn trăm trận lớn nhỏ. Gây hoang mang dư luận lúc bấy giờ là các vụ bắt cóc tống tiền con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ và bắn chết vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga ngay trước cửa nhà. Hoặc băng cướp Võ Tùng Hội gồm 33 tên đã dùng 14 khẩu súng, 3 ôtô, 20 xe máy, gây ra gần 100 vụ cướp, bắn chết 2 người, bắn bị thương 3 người. Hay băng nhóm của Lễ, Nghĩa, sẵn sàng lia súng bắn chết toàn bộ người trong gia đình nào chúng chọn ra tay và trong vòng một tháng chúng đã giết chết 13 mạng người chỉ để lấy tiền hùn với bạn mở lò bánh mì…tất cả đã được các trinh sát SBC “giải mã” đưa ra ánh sáng.
Những chiến công vang dội của đội SBC gắn liền với những cái tên như Võ Tấn Thành, Mai Văn Tấn, Dương Minh Ngọc, Lý Đại Bàng, Trần Văn Ngọc... Họ thật sự là khắc tinh của tội phạm, tạo nên “thương hiệu” lừng lẫy của Công an TP.HCM.
Hình ảnh về những trinh sát SBC trên chiếc Honda 67 xoáy nòng như những cánh chim đại bàng tung cánh trên đường phố ghi ấn tượng đẹp với nhiều người và trở thành nỗi khiếp sợ cho giới tội phạm lúc bấy giờ.
Còn tiếp…
Trung Kiên