1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hủy hoại tài sản của người khác, đền bù rồi có bị khởi tố hình sự?

Xuân Hải

(Dân trí) - Theo luật sư, tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, dù người có hành vi vi phạm đã bồi thường thiệt hại vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Ông Phạm Văn Dũng (45 tuổi, ở TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) hỏi: Anh trai tôi có mâu thuẫn với hàng xóm nên hai bên đã xảy ra cãi vã, xô xát nhau. Do không kiềm chế được nên anh trai tôi đã đập chiếc xe máy của người hàng xóm. Sự việc xảy ra đã được Công an xã mời hai bên đến làm việc, sau đó hai bên xin lỗi nhau, đồng thời thống nhất mức bồi thường thiệt hại là 15 triệu đồng. Vậy cho tôi hỏi, nếu đã bồi thường thiệt hại rồi thì có bị khởi tố về tội hủy hoại tài sản không?

Hủy hoại tài sản của người khác, đền bù rồi có bị khởi tố hình sự? - 1

Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (Ảnh minh họa).

Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN trả lời:

Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

....

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

"Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết."

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không thuộc trường hợp khởi tố theo yều cầu của bị hại. Do đó, nếu đã bồi thường thiệt hại thì anh trai của ông vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Khi cơ quan tiến hành tố tụng xem xét lượng hình phạt, anh trai ông có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là: "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả". Hoặc có thể xem xét để được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự "Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự".