1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Người bắn bi sắt vào nhà dân ở TPHCM có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

An Huy

(Dân trí) - Luật sư cho biết việc sử dụng súng bắn bi sắt vào nhà dân gây hư hỏng tài sản là hành vi bị nghiêm cấm. Người gây ra vụ việc có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoảng 2 tháng qua, nhiều hộ dân sống trên đường Lam Sơn, phường 2, quận Tân Bình (TPHCM) liên tục bị bi sắt bắn vào nhà gây hư hỏng tài sản.

Một số hộ bị trúng bi sắt bể cửa kính, hư hỏng máy nước nóng năng lượng mặt trời, bể kính ô tô… Công an địa phương đã vào cuộc điều tra nhưng đến nay, vẫn chưa phát hiện người gây ra vụ việc.

Pháp luật nghiêm cấm 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho biết định nghĩa về vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo đó, súng đạn bi sắt được ghi nhận là một trong các loại vũ khí và mang tính chất của vũ khí nói chung, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất.

Người bắn bi sắt vào nhà dân ở TPHCM có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - 1

Người dân dùng băng keo bịt lại lỗ thủng cửa kính do bi sắt bắn vào (Ảnh: An Huy).

Tại khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ đều là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo luật sư Tuấn, việc sử dụng đạn bi sắt trái phép với bất kỳ mục đích nào đều là hành vi trái pháp luật. Trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với chế tài hành chính, căn cứ theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân nào có hành vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép, có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự".

Người bắn bi sắt vào nhà dân ở TPHCM có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - 2

Hàng chục viên bi sắt được người dân địa phương nhặt được (Ảnh: An Huy).

Theo quy định tại Điều 306 Bộ luật hình sự 2017, được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, tội danh trên bị phạt tù cao nhất lên tới 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm.

Phải bồi thường thiệt hại

Luật sư Trương Văn Tuấn cho biết, với hành vi sử dụng bi sắt bắn vào nhiều nhà dân gây hư hỏng tài sản, người gây ra vụ việc có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường các chi phí hợp lý cho người bị hư hỏng tài sản.

Đối với trách nhiệm hành chính, theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào có hành vi sử dụng súng nhằm hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm kể trên.

Người bắn bi sắt vào nhà dân ở TPHCM có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - 3

Khu dân cư trên đường Lam Sơn xảy ra vụ việc (Ảnh: An Huy).

Trường hợp hành vi vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý phá hoại tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" với mức phạt tù tối đa lên đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 589 Bộ luật dân sự 2015, được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, người gây thiệt hại phải bồi thường theo giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là chi phí để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo nguyên tắc kể trên.

Liên quan vụ việc, đại diện UBND phường 2 (quận Tân Bình) đã chỉ đạo công an cùng cấp xác minh, điều tra vụ một số nhà dân trên đường Lam Sơn bị trúng bi sắt hư hỏng tài sản, ô tô.

Theo chính quyền địa phương, ban đầu có khoảng 3 trường hợp nhà dân bị bi sắt bắn trúng mức độ nặng, hư hỏng tài sản; khoảng 15 hộ khác cũng bị trúng bi sắt. "Công an chưa xác định được những viên bi sắt này hướng từ đâu bay tới. Vụ việc đang được công an địa phương điều tra", đại diện UBND phường 2 nói.