1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Học sinh điều khiển xe mô tô trên 50cm3 có bị xử phạt không?

Xuân Hải

(Dân trí) - Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô sẽ bị phạt cảnh cáo.

Học sinh điều khiển xe mô tô trên 50cm3 có bị xử phạt không? - 1

Nhiều em học sinh điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh trên 50cm3 đến trường (Ảnh minh họa: Nguyễn Chân/LĐ).

Một bạn đọc hỏi: "Em là học sinh trung học phổ thông, năm nay 17 tuổi. Em vừa bị Cảnh sát giao thông xử phạt 500.000 đồng do lái xe mô tô. Em muốn hỏi mức phạt như vậy là có đúng pháp luật không? Ngoài ra, em còn bị nhà trường hạ hạnh kiểm xuống hạnh kiểm yếu. Vậy em muốn hỏi nhà trường xếp em hạnh kiểm yếu có đúng không?".

Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Nguyễn Thị Sương - Công ty Luật Hợp danh FDVN xin trả lời như sau:

Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô sẽ bị phạt cảnh cáo.

Tiếp đó, điểm a khoản 4 Điều này quy định, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên thì bị xử phạt với mức phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng. Như vậy, nếu bạn đã thực hiện hành vi nêu trên thì việc cảnh sát giao thông xử phạt bạn với mức phạt là 500.000 đồng là phù hợp quy định pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính theo Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP gồm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;

- Cảnh sát giao thông;

- Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

- Trưởng Công an cấp xã;

- Thanh tra giao thông vận tải;

- Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa;

- Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo đó Trường học không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với học sinh thuộc quyền quản lý.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 82 của Luật Giáo dục 2019, học sinh có nghĩa vụ phải thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục, chấp hành quy định của pháp luật. Điểm d khoản 4 Điều 4 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT quy định về một trong những tiêu chuẩn xếp hạnh kiểm loại yếu là "vi phạm an toàn giao thông".

Vì vậy, mặc dù Nhà trường không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên có quyền xử lý các hành vi vi phạm nội quy, quy chế của trường học và xếp hạnh kiểm yếu nếu học sinh có hành vi vi phạm an toàn giao thông.