Hành trình điều tra cái chết của một công nhân sau khi bị cảnh sát bắt
(Dân trí) - Sau khi người đàn ông qua đời trong đồn cảnh sát Trung Quốc, thi thể bị tổn thương với nhiều vết sẹo và đôi mắt thâm đen, người thân nghi có khuất tất và yêu cầu khám nghiệm tử thi.
Tự tử sau khi bị cảnh sát bắt?
Đầu tháng 9/2004, một công nhân nhà máy kéo sợi ở thành phố Chu Khẩu nhận thông báo bị sa thải do có xung đột và xích mích với quản lý nhà máy. Nhà máy đã báo cáo cảnh sát, sau đó 6 cảnh sát được chỉ định đưa công nhân tên Li Shengli đến đồn cảnh sát lấy lời khai.
Ngày 20/9/2004, Li Shengli tử vong tại đồn cảnh sát với kết luận là tự sát bằng cách nhảy từ tầng cao xuống đất.
Tuy nhiên người thân của Li Shengli lại phát hiện nhiều vết sẹo trên thi thể anh và một bên mắt bị thâm đen. Nghi ngờ có khuất tất trong cái chết của Li Shengli, gia đình anh đã yêu cầu điều tra nhưng không nhận được sự hỗ trợ.
Một tháng sau đó, người thân của Li Shengli đến cổng Ủy ban của thành phố Chu Khẩu, mang theo những bức ảnh chứng minh tình trạng bầm tím trên toàn bộ thi thể và cái chết đáng ngờ của Li Shengli. Chỉ trong ít phút, hàng chục cảnh sát đã đến bắt người thân và vợ của Li Shengli lên xe cảnh sát.
Tối hôm đó, một đài truyền hình đã đến phỏng vấn về vụ án, sau đó cảnh sát thả bốn người thân của Li Shengli. Bố của Li Shengli được yêu cầu đến gặp các cơ quan chức năng để báo cáo về vụ án và phải cung cấp chi tiết về tên tuổi, nơi làm việc cùng số điện thoại của tất cả thành viên trong gia đình.
Sau đó gia đình Li Shengli phát hiện rằng cảnh sát đã điều tra lý lịch và hoạt động của tất cả người thân trên danh sách đã cung cấp. Thời gian sau đó, tất cả các thành viên trong gia đình Li Shengli phải đối mặt với những khó khăn và áp lực không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chịu sự theo dõi nghiêm ngặt qua các cuộc điện thoại.
Sự thật
Cuối năm 2004, Li Yanhong (em của Li Shengli) đến Bắc Kinh tìm người giúp đỡ. Một người đàn ông sau khi được nghe câu chuyện phía sau cái chết đáng ngờ của công nhân Li Shengli đã hẹn gặp Li Yanhong và xem toàn bộ tài liệu liên quan vụ việc. Sau đó vụ án về cái chết đáng ngờ của công nhân Li Shengli chính thức được điều tra.
Tháng 2/2005, Bí thư Ủy ban chính trị và pháp luật trung ương đã ban hành các chỉ thị quan trọng về vụ án của Li Shengli, yêu cầu điều tra nghiêm ngặt, bất kể hung thủ là cảnh sát hay là người có quyền chức.
Ngày 10/3/2005, Viện kiểm sát thành phố Chu Khẩu nhận được chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao về vụ án Li Shengli, và ngay lập tức thành lập đội chuyên án "20.9", đồng thời chuyển vụ án của Li Shengli từ Viện kiểm sát quận lên Viện kiểm sát nhân dân thành phố.
Quá trình điều tra lại vụ án gặp nhiều khó khăn. Ngày 6/4/2006, đội chuyên án "20.9" tiến hành khám nghiệm tử thi công nhân Li Shengli lần thứ 4. Với sức ép từ cơ quan cấp cao, kết quả khám nghiệm tử thi có một kết luận bổ sung, đầy đủ hơn: Khả năng công nhân Li Shengli đã ngã xuống đất một cách thụ động chứ không phải tự tử.
Trong giai đoạn điều tra, đội chuyên án "20.9" luôn có cảm giác như đang phải chạy đua, tìm hiểu đến đâu cũng có người chặn trước và bịt manh mối, các bằng chứng đã bị phá hủy.
Theo hồ sơ vụ án trước đó, vào ngày Li Shengli qua đời, đồn cảnh sát nhận được cuộc gọi báo cáo người tự tử của hai học sinh. Đội chuyên án "20.9" tiến hành điều tra về lời khai của học sinh này, quá trình đấu tranh tâm lí, đội thu được lời thú nhận: Hôm đó học sinh này đến đồn cảnh sát, vô tình nhìn thấy Li Shengli với khuôn mặt đầy máu đang bị một số cảnh sát lôi kéo.
Đội chuyên án "20.9" đã triệu tập danh sách các cảnh sát của đồn lấy lời khai. Sau khi họ đi đến kết luận: Năm đó, khi Li Shengli bị áp giải đến đồn cảnh sát đã bị trùm đầu kín mít rồi bị đánh đến mức hôn mê. Cảnh sát Li Litian và cảnh sát Lu Liusheng đã bàn nhau đẩy Li Shengli từ trên cầu thang xuống nhằm giả tạo một vụ tự tử.
Cảnh sát khiêng Li Shengli đến cửa nhà vệ sinh trên tầng ba của đồn cảnh sát và đẩy từ trên cao xuống. Li Shengli đã qua đời cùng ngày sau khi được cấp cứu. Báo cáo pháp y cho biết Li Shengli chết do ngã từ trên cao xuống, nguyên nhân do tự vẫn.
Năm 2006, nữ cảnh sát Wang Haiyu là một trong những cảnh sát từng tham gia đánh Li Shengli, được tại ngoại do mang thai, sau đó bỏ trốn. Tháng 11/2011, nữ cảnh sát Wang Haiyu bị đưa ra xét xử nhưng lại được tại ngoại do mang thai.
Đội chuyên án "20.9" sau đó đã xác định được, cha của nữ cảnh sát Wang Haiyu là một cán bộ cấp cao của Viện kiểm sát thành phố Chu Khẩu.
Cảnh sát Li Litian và cảnh sát Lu LiuSheng là những người thực hiện đánh đập, hành hạ nạn nhân, bị kết án tử hình.
Cảnh sát Leng Fei bị kết án tù chung thân.
Sau phán quyết sơ thẩm, Li Litian, Lu Liusheng và Leng Fei đã kháng cáo. Tháng 11/2007, Tòa án Nhân dân cấp cao tuyên bác bỏ đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án ban đầu.
Năm 2011, 2 cảnh sát Zhang San và Wang Haiyu bị bắt. Gia đình của nữ cảnh sát Wang Haiyu đã can thiệp, cố gắng để bị cáo được hưởng mức án nhẹ hơn.
Ngày 16/3/2012, tại phiên xét xử, thẩm phán đã từ chối lời bào chữa của nữ cảnh sát Wang Haiyu rằng bị cáo không tham gia vào việc đánh chết người. Wang Haiyu đã bị kết án 10 năm tù vì tội Cố ý giết người.