TPHCM:

Hai đối tượng giả danh công an “đầu tư” tiền triệu để phạm tội

Hoàng Thuận

(Dân trí) - Bỏ ra hơn 10 triệu đồng, Sơn mua quân phục công an, đặt làm giả lệnh bắt, lệnh khám xét nhà của bà H. để cưỡng đoạt số tiền từ 100-200 triệu đồng.

“Đầu tư” tiền triệu giả danh công an đi cưỡng đoạt

Ngày 8/9, Công an quận 11 (TPHCM) vẫn đang tạm giữ Trần Văn Sơn (sinh năm 1979, ngụ quận Tân Bình) và Trần Hồng Thái (sinh năm 1983, quê Hưng Yên) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Công an quận 11 nói về vụ giả danh công an đọc lệnh bắt người

Trong đó, đối tượng Sơn đang có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về hành vi mua xăng, dầu có nguồn gốc buôn lậu.

Điều tra bước đầu xác định, Sơn làm ăn thua lỗ và thiếu nợ nhiều người nhưng không có khả năng chi trả nên nảy sinh ý định giả danh công an, uy hiếp tinh thần người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Hai đối tượng giả danh công an “đầu tư” tiền triệu để phạm tội - 1
Đối tượng Sơn (bên trái) và Thái tại cơ quan công an

Thông qua mối quan hệ cá nhân, Sơn biết bà L.T.H. (sinh năm 1966, ngụ quận 11) thường xuyên chuyển tiền nên nghĩ nạn nhân có nhiều tiền và chọn để gây án.

Sau đó, Sơn lên mạng xã hội đặt làm giả giấy chứng minh công an nhân dân giả mang tên Trần Quyết Thắng (sinh năm 1978), cấp bậc thiếu tá, chức vụ sỹ quan nghiệp vụ thuộc đơn vị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, lệnh bắt khẩn cấp, lệnh khám xét, quyết định phê chuẩn lệnh khám xét của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đối tượng Sơn bỏ tiền túi ra 7 triệu đồng để đặt mua số giấy tờ này.

Hai đối tượng giả danh công an “đầu tư” tiền triệu để phạm tội - 2
Đối tượng Sơn đặt làm giả biển số xanh với giá 1,2 triệu đồng

Còn 2 bộ trang phục cảnh sát nhân dân cấp hàm thiếu tá, thiếu uý, Sơn mua trên mạng xã hội với giá 980 ngàn đồng/bộ. Riêng bảng tên Trần Quyết Thắng có số hiệu 323-911, Sơn đặt làm với giá 140 ngàn đồng và biển số xe 80B-2547 màu xanh đặt làm với giá 1,2 triệu đồng.

Làm việc với công an, Sơn khai nhận giả danh cán bộ công an để uy hiếp bà H. về hành vi đánh bạc, cho vay lãi nặng nhằm chiếm đoạt số tiền từ 100-200 triệu đồng. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội khoảng 5 ngày, đối tượng Sơn rủ Thái cùng tham gia.

Dấu hiệu nhận biết công an giả

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Trung Hoà, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11 cho biết, trường hợp công an khám xét nhà, công bố lệnh bắt phải có đại diện của chính quyền địa phương, đại diện người dân, tổ dân phố để chứng kiến.

Hai đối tượng giả danh công an “đầu tư” tiền triệu để phạm tội - 3
Thượng tá Hoà cho biết đây là vụ giả danh công an đầu tiên xảy ra trên địa bàn và đề nghị ai là nạn nhân hãy liên hệ công an để cung cấp thông tin

Ngoài ra, các đối tượng giả danh thường đọc lệnh khám xét, lệnh bắt rất nhỏ để cho bị hại không nghe được. Đây là một trong các hành động thể hiện đối tượng không phải là công an thật mà người dân cần cảnh giác.

“Nhận tin báo từ công an phường, một tổ cảnh sát hình sự đang tuần tra gần đó ngay lập tức có mặt. Khi chúng tôi hỏi, các anh thực hiện lệnh bắt, khám xét sao không có đại diện chính quyền địa phương, người dân, tổ dân phố chứng kiến thì lúc đó 2 đối tượng không còn lớn tiếng và chịu về trụ sở để làm rõ”, Thượng tá Hoà kể lại.

Hơn 10 ngày bị các đối tượng giả danh công an đọc lệnh bắt, khám xét, bà H. vẫn còn hoảng sợ khi kể lại sự việc.

Hai đối tượng giả danh công an “đầu tư” tiền triệu để phạm tội - 4
Bà H. kể lại lúc bị 2 đối tượng giả danh công an xưng vào nhà đọc lệnh bắt, khám xét

Lúc bà H. mở cửa sắt hé hé để hỏi thì Sơn và Thái bung cửa xông vào bên trong, rút thẻ màu đỏ xưng là công an của Bộ rồi đọc lệnh khám xét, bắt khẩn cấp. 

“Thái độ của họ rất hung dữ. Tôi có tội tình gì đâu mà bắt khẩn cấp. Thấy không có tổ dân phố, cảnh sát khu vực nên tôi yêu cầu họ đọc to lên để cho hàng xóm cùng nghe. Rất may hàng xóm xung quanh kịp thời gọi điện báo và công an có mặt rất nhanh”, bà H. nhớ lại.

Bà H. cảnh báo người dân khi có ai đến gõ cửa nhà để khám xét thì xem có cảnh sát khu vực, tổ dân phố đi theo cùng hay không rồi hãy mở cửa và khi phát hiện dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho công an địa phương.

Hai đối tượng giả danh công an “đầu tư” tiền triệu để phạm tội - 5
Công an phường 7 (quận 11) tuyên truyền người dân về thủ đoạn của các đối tượng phạm tội giả danh công an

Liên quan đến vụ việc, Thượng tá Hoà đề nghị ai là nạn nhân của đối tượng Sơn và Thái thì đến trụ sở Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11 trình báo để phục vụ công tác điều tra.

Vào ngày 7/9, Viện Kiểm sát nhân dân quận 11 (TPHCM) đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Trần Văn Sơn và Trần Hồng Thái về tội cưỡng đoạt tài sản.