1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Grab không đồng ý bồi thường cho Vinasun gần 5 tỉ đồng

(Dân trí) - Cho rằng toà sơ thẩm đưa ra quyết định buộc bồi thường cho Vinasun là trái luật, Grab đề nghị toà phúc thẩm huỷ án.

Ngày 12/1, TAND TPHCM cho biết công ty TNHH Grab Việt Nam vừa gửi đơn lên TAND TP HCM kháng cáo toàn bộ bản án tuyên bồi thường cho công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - VinaSun 4,8 tỉ đồng.

Trong đơn kháng cáo, Grab đề nghị tòa phúc thẩm xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án, bởi TAND TPHCM đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cơ quan này không có thẩm quyền xét xử vụ án; đưa ra bản án vượt quá phạm vi khởi kiện yêu cầu bồi thường; không triệu tập nhân chứng tham dự các phiên xử theo yêu cầu của họ...

img8597-1539838721985108578263

Phía Grab yêu cầu hủy án sơ thẩm.

Phía Grab khẳng định không vi phạm với Vinasun. Nếu tòa phúc thẩm không đình chỉ thì phải sửa án sơ thẩm, xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm pháp luật và bác toàn bộ yêu cầu của VinaSun. Nguyên đơn cũng không chứng minh được thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab với thiệt hại (nếu có) của Vinasun.

Grab cho rằng, TAND TPHCM không đánh giá đầy đủ, khách quan các tình tiết, chứng cứ của vụ án. Tòa nhận định Grab kinh doanh vận tải mà phớt lờ ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải rằng "chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ", mang tính hỗ trợ cho đơn vị vận tải trên cơ sở thỏa thuận hợp tác kinh doanh. TAND TPHCM đã bác yêu cầu giám định lại của Grab để dựa vào kết luận giám định không khách quan, chính xác của công ty giám định do tòa chỉ định; tòa áp đặt các quy định về kinh doanh vận tải đối với Grab. "Việc tòa xác định thiệt hại của Vinasun theo chi phí xe nằm bãi và giảm giá trị vốn hóa thị trường là không đúng pháp luật... Thực tế, thiệt hại của Vinasun do nhiều nguyên nhân khác gây ra", kháng cáo nêu.

Tháng 6/2017, Vinasun kiện Grab "vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường". Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây thiệt hại cho công ty gần 42 tỉ đồng, từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2017, yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Sau nhiều phiên tòa xét xử, cuối 12 vừa qua TAND TPHCM xác định hoạt động của Grab là kinh doanh vận tải. Theo HĐXX, Grab vi phạm pháp luật, cụ thể là Nghị định 86 và Đề án 24. Theo Đề án 24 Grab chỉ được cung cấp phần mềm ứng dụng nhưng Grab đã kinh doanh vận tải taxi, gây thiệt hại cho Vinasun.

Về vấn đề thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hoá thị trường của Vinasun, HĐXX cho rằng thiệt hại này không thể tách bạch được. Vì vậy, dù xác định được thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hoá thị trường nhưng không xác định được phần thiệt hại nào do Grab gây ra, phần nào do các yếu tố khác nên phần này không được HĐXX không chấp nhận. Từ đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hơp đồng số tiền 4,8 tỉ đồng. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền một số vấn đề về quản lý.

Xuân Duy