1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Gian nan cuộc chiến chống mua bán người ở huyện biên giới Kỳ Sơn

(Dân trí) - Cứ mỗi nạn nhân đưa được sang bên kia biên giới, các đối tượng có thể dắt túi cả trăm triệu đồng. Thương vụ quá hời khiến nhiều kẻ sẵn sàng bán người thân của mình. Cuộc chiến chống loại tội phạm này ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) ngày càng gian nan hơn.

Hám tiền, bán cả người thân

“Nguồn lợi nhuận quá lớn, không chỉ lừa bán những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin mà nhiều đối tượng sẵn sàng bán cả chị em gái, cháu gái của mình”, Thượng tá Tô Văn Hậu – Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nói khi chúng tôi đề cập đến vấn nạn mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, Công an huyện đã điều tra làm rõ 4 vụ mua bán người, bắt 5 đối tượng và giải cứu 5 nạn nhân.

Vì món tiền hơn 100 triệu đồng, vợ chồng Ven Văn Hiệp nhẫn tâm lừa bán 2 cháu gái sang Trung Quốc
Vì món tiền hơn 100 triệu đồng, vợ chồng Ven Văn Hiệp nhẫn tâm lừa bán 2 cháu gái sang Trung Quốc

Theo tài liệu Công an huyện Kỳ Sơn cung cấp, tôi không khỏi giật mình bởi thủ đoạn và sự tán tận lương tâm của những kẻ buôn người. Trong đó, nổi lên là đối tượng Moong Thị May Khăm (SN 1989, trú xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn). Cơ quan điều tra làm rõ, từ năm 2013 đến tháng 7/2017, May Khăm đã bán 4 nạn nhân sang Trung Quốc, thu lợi bất chính với số tiền gần 20 vạn nhân dân tệ (tương đương 660 triệu đồng). Các nạn nhân của Khăm May thường rất trẻ, đều được bán sang Trung Quốc để làm vợ.

Đau lòng hơn, trong số nạn nhân của May Khăm lại do chị gái nạn nhân nhờ bán. Khoảng tháng 8/2014, May Khăm gặp một người phụ nữ tên Niệm quê ở huyện Tương Dương cũng lấy chồng ở Trung Quốc. Niệm nhờ Khăm May tìm mối để bán em gái của mình tên M. Sau 2 ngày, thông qua May Khăm, Niệm bán em gái cho 1 người đàn ông Trung Quốc với giá 6,5 vạn nhân dân tệ (gần 180 triệu). Thương vụ này May Khăm được nhận 5.000 nhân dân tệ tiền môi giới.

Trước đó, vào hồi tháng 1/2017, Công an huyện Kỳ Sơn đã điều tra, bắt giữ Cụt Thị Sơn (SN 1986, trú xã Hữu Kiệm) để làm rõ hành vi mua bán người. Sơn thừa nhận, vào tháng 12/2015, Sơn đưa cháu Cụt Thị N. và Chích Thị Đ. (cùng trú tại xã Bảo Nam, Kỳ Sơn) sang Trung Quốc.

Đối tượng mà tội phạm mua bán người là những phụ nữ, trẻ em gái người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế (ảnh minh họa)
Đối tượng mà tội phạm mua bán người là những phụ nữ, trẻ em gái người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế (ảnh minh họa)

Cụt Thị Sơn đã bán cháu Đ. làm vợ một người đàn ông bên này với giá 70 triệu đồng. Trong khi chờ bán cháu N. thì nạn nhân này trốn được về nhà, tố cáo hành vi của Sơn tới cơ quan điều tra.

Hay như mới đây, hai cháu bé Moong Thị X. (SN 2003) và Hùng Thị H. (SN 2008) đã bị vợ chồng người cậu ruột Ven Văn Hiệp (SN 1980), Moong Thị Chiêu (SN 1986) và Cụt Thị Đào (SN 1989) cùng trú tại xã Chiêu Lưu dụ dỗ lừa đi Trung Quốc lấy chồng. May mắn, 2 cháu bé được Công an huyện Kỳ Sơn giải cứu khi triệt phá đường dây mua bán người này, bắt toàn bộ các đối tượng liên quan.

Gian nan phá án

Ngày 12/7/2017, Công an huyện Kỳ Sơn tiếp nhận đơn trình báo của ông Moong Phò U. (SN 1972, trú xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) về việc con gái Moong Thị X. (SN 1999) bị mất tích từ ngày 10/7/2017. Quá trình xác minh, thu thập các thông tin liên quan xác định đây có thể một vụ mua bán người, khả năng, nạn nhân đang được đưa ra các tỉnh miền núi phía Bắc để chuẩn bị vượt biên.

Tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em đang phá vỡ sự bình yên nhiều bản làng vùng biên giới huyện Kỳ Sơn (ảnh minh họa)
Tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em đang phá vỡ sự bình yên nhiều bản làng vùng biên giới huyện Kỳ Sơn (ảnh minh họa)

Một tổ trinh sát được điều động tức tốc lên đường đến TP Móng Cái để tổ chức ngăn chặn. Sau khi triển khai nhiều biện pháp điều tra, xác minh, tổ chức truy tìm trên diện rộng, đến khoảng 17h ngày 13/7 tổ công tác Công an huyện đã xác định được nơi lánh nạn và đưa chị X. về nhà.

Theo thông tin chị X. cung cấp thì một người phụ nữ tên Mà đã rủ rê chị qua Trung Quốc lấy chồng. Hiện lực lượng Công an đang tiếp tục xác minh, truy tìm người phụ nữ tên Mà này. Tuy nhiên, với thông tin ít ỏi của chị X. cung cấp thì việc truy tìm đối tượng tên Mà cũng như mò kim đáy bể…

Qua thực tế đấu tranh với tội phạm này, Trưởng Công an huyện cho biết: “Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, vừa lôi cuốn được các nạn nhân nhưng cũng đồng thời né tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng như nhận thức xã hội hạn chế của nhiều phụ nữ, trẻ em gái là người dân tộc thiểu số (chủ yếu từ độ tuổi 14-30), sinh sống ở các bản làng vùng sâu vùng xa, các đối tượng thường vẽ ra viễn cảnh lấy chồng Trung Quốc sẽ được sung sướng, không cần làm việc mà chỉ cần ngồi hưởng thụ cuộc sống để dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân.

Công an huyện Kỳ Sơn lấy lời khai của các đối tượng trong đường dây mua bán người do Cụt Thị Đào cầm đầu
Công an huyện Kỳ Sơn lấy lời khai của các đối tượng trong đường dây mua bán người do Cụt Thị Đào cầm đầu

Với mỗi nạn nhân đưa được sang bên kia biên giới, các đối tượng có thể kiếm được cả trăm triệu đồng. Món tiền quá lớn khiến nhiều kẻ không từ thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, vụ việc thường xảy ra ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai các phương án ngăn chặn, truy bắt”.

Nạn nhân của các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em khi đặt chân sang bên kia biên giới thường bị bán làm vợ đàn ông Trung Quốc hoặc bị bán vào các động mại dâm và phần lớn có cuộc sống hết sức cơ cực.

Một số người may mắn trốn về, tố cáo người bán mình như trường hợp chị Cụt Thị N., còn hầu hết các nạn nhân sau khi sang Trung Quốc thì hoàn toàn mất liên lạc. Cũng không hiếm trường hợp nạn nhân của một vụ mua bán người sau thời gian sinh sống ở Trung Quốc đã trở thành một mắt xích trong đường dây mua bán người khiến cho công tác điều tra, phá các đường dây tội phạm này càng khó khăn hơn.

Hoàng Lam