Thái Bình:
Giám đốc Công ty Đăng kiểm Thái Bình: "Tôi không nhận hối lộ"
(Dân trí) - Ba cựu cán bộ Công ty cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình đã nhận hối lộ hơn 344 triệu đồng và thu gấp 3 lần mức thu tối thiểu theo quy định đối với việc giám định tai nạn và kiểm tra xe cơ giới.
Giám đốc công ty đăng kiểm phủ nhận cáo buộc
Sáng 24/1, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa sơ thẩm vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình, đưa ra xét xử các bị cáo Lưu Minh Hải (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình), Bùi Ngọc Diệp (Phó Giám đốc) và Tô Hồng Dương (đăng kiểm viên).
Trong phần xét hỏi, bị cáo Lưu Minh Hải khai nhận bản thân chỉ lo công việc chung của công ty, trách nhiệm quản lý việc đăng kiểm giao cho các phó giám đốc. Trong đó, bị cáo Diệp là người lo các khâu liên quan đến đăng kiểm.
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), Giám đốc Công ty Đăng kiểm Thái Bình không nhớ về những nguồn thu của công ty. Sau đó, chủ tọa phiên tòa công bố một số bút lục ghi lời khai của bị cáo Hải về nội dung này.
Cụ thể, công ty có 4 nguồn thu, như quỹ tiền mặt thu phí kiểm định và tiền thuê biển quảng cáo; quỹ công đoàn trích từ lương cán bộ, nhân viên; quỹ cải tạo...
Hải cho biết lời khai trên là chính xác. Bị cáo này cũng xác nhận lời khai về số tiền từ "nguồn thu ngoài" và mục đích sử dụng. Theo đó, kế toán của công ty sẽ thống kê, báo cáo cho Hải thông qua Zalo mỗi cuối ngày và tổng hợp hàng năm.
Số tiền trên, Hải chỉ đạo chi cho tổ 4 người chuyên cấp giấy chứng nhận; chi thưởng Tết dương lịch, Tết Âm lịch; chi cho kế toán... Tỷ lệ chia thay đổi theo hàng năm.
Tại bục khai báo, Hải nói bản thân không trực tiếp tiếp xúc với những người đến đăng kiểm cũng như không chỉ đạo việc phân chia tỷ lệ tiền từ "nguồn thu ngoài".
Nói về động cơ chấp nhận "nguồn thu ngoài", bị cáo Hải cho rằng nếu không làm nhanh cho khách, khách sẽ đi trung tâm đăng kiểm khác để làm.
HĐXX chất vấn: - Vì sợ mất khách mà để cấp dưới làm sai quy định?
Bị cáo Hải đáp: - Không phải, chỉ là anh em báo lên bảo sẽ làm nhanh cho khách nên bị cáo đồng ý, không biết là ở dưới làm sai.
"Bị cáo không nhận hối lộ", Lưu Minh Hải nói trước tòa.
Trước những lời khai trên, bị cáo Diệp xác nhận và không có ý kiến gì. Phó Giám đốc công ty khai hàng ngày, bị cáo nhận trách nhiệm chỉ đạo, phân công các đăng kiểm viên thực hiện các công đoạn kiểm định như kiểm tra phanh, khí thải, gầm xe...
Trả lời HĐXX, Diệp nói các chủ xe đến đăng kiểm chỉ cần mang đăng ký xe, đăng kiểm đến bộ phận hồ sơ để đăng ký, không cần phải làm gì khác. Theo quy định, mỗi loại xe sẽ có phí đăng kiểm khác nhau.
Đối với những xe cải tạo, Diệp khai chủ xe cần trao đổi với đăng kiểm viên về nhu cầu, sau đó, bị cáo sẽ tư vấn cách lắp đặt, liên hệ với anh Bùi Văn Lưu (Phó Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật và dịch vụ TKT) để làm thủ tục thiết kế...
Chi phí để làm các thủ tục trên là 5 triệu đồng/xe. Diệp đưa toàn bộ cho anh Lưu và bị cáo Hải không nắm được nội dung này.
Theo Diệp, tất cả các bản thiết kế đều có chữ ký và con dấu của Công ty TKT. Dù vậy, Diệp khai chưa từng phải đưa phương tiện nào đến gặp anh Lưu hay đi thi công. Bị cáo này nghiệm thu thông qua bản vẽ thiết kế.
Trả lời tòa, bị cáo Tô Hồng Dương thừa nhận bản thân yêu cầu chủ xe khi đi đăng kiểm phải nộp một số tiền cao hơn quy định tùy theo chủng loại xe, trường hợp kiểm định…
Chủ tọa hỏi, thu cao hơn quy định vậy có chủ xe nào phản ứng, không đồng ý hay không? Dương đáp: "Tất cả chủ xe đều đồng ý, không ai phản ứng".
Thu thêm góp quỹ cuối năm chia anh em
Theo cáo trạng, từ tháng 5/2020, ông Hải là Giám đốc Công ty Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình và giữ thêm chức vụ Chủ tịch HĐQT từ tháng 10/2022 đến nay. Công ty có 2 đăng kiểm viên là Bùi Ngọc Diệp và Tô Hồng Dương.
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thái Bình cáo buộc, Diệp báo cáo với Hải về việc bộ phận nghiệm thu xe cải tạo thường liên hệ dẫn khách về công ty và thỏa thuận thu nhiều hơn mức thu theo quy định để bỏ qua trình tự, thủ tục hoặc làm nhanh giấy chứng nhận cải tạo phương tiện theo yêu cầu của chủ phương tiện.
"Hải đồng ý cho tiếp tục làm và yêu cầu khoản thu theo quy định thì phải hạch toán đầy đủ vào sổ kế toán, còn khoản tiền thu thêm thì góp vào làm quỹ để cuối năm chia cho anh em trong công ty", cáo trạng nêu.
Cơ quan công tố xác định, đối với việc giám định tai nạn và kiểm tra xe cơ giới, Diệp báo cáo giám đốc thu gấp 3 lần mức thu tối thiểu theo quy định.
Khoản tiền liên quan đến việc cải tạo, ông Hải giao cho Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Ngọc chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ tiếp nhận, chuyển cho thủ quỹ, đồng thời chỉ đạo kế toán theo dõi và hạch toán khoản thu.
Bị cáo Tô Hồng Dương bị cáo buộc là người trực tiếp liên hệ khách hàng, tiếp nhận hồ sơ, thỏa thuận, thu tiền của chủ phương tiện đến nghiệm thu, đăng kiểm xe cải tạo và lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ.
Cũng theo cáo trạng, đối với các xe cơ giới cải tạo đơn giản như lắp thêm nắp thùng hàng, mui gió trên nắp cabin... mỗi hồ sơ đăng kiểm, chủ phương tiện phải nộp 1,1-1,6 triệu đồng/xe. Với những xe cơ giới cải tạo phức tạp như hoán cải thùng, cải tạo xe 16 chỗ thành xe van, xe 34 chỗ thành xe 29 chỗ... chi phí mỗi bộ hồ sơ là 5 triệu đồng.
VKSND tỉnh Thái Bình xác định, từ năm 2020 đến năm 2022, tổng số tiền nhận hối lộ để hoàn tất việc đăng kiểm của các bị cáo là hơn 344 triệu đồng.
Tại phiên tòa, cả 3 bị cáo bị xét xử tội Nhận hối lộ. Trong đó, ông Hải phải chịu trách nhiệm hình sự cho số tiền hơn 320 triệu đồng; Diệp hơn 340 triệu đồng và Dương hơn 215 triệu đồng.
VKSND đánh giá ông Hải là người giữ vai trò chủ mưu trong vụ án.
Quá trình điều tra, truy tố, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.