1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Gây thiệt hại hơn 830 tỷ đồng, "bộ sậu" Gang thép Thái Nguyên sắp hầu tòa

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Từ ngày 12/4, TAND TP Hà Nội xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), một trong 5 vụ án được Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng yêu cầu xét xử sơ thẩm trong năm 2021.

Phiên tòa dự kiến diễn ra liên tục trong 10 ngày (từ ngày 12-22/4), làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật.

HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Phan Huy Cương làm Chủ tọa phiên tòa. Ba kiểm sát viên của Viện KSND TP Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại tòa.

Trong vụ án này, TISCO được triệu tập với tư cách là nguyên đơn dân sự; Công ty thép Việt Nam (VNS) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Gây thiệt hại hơn 830 tỷ đồng

Trong số 19 bị cáo bị đưa ra xét xử lần này, 14 bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; 5 bị cáo bị truy tố "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Gây thiệt hại hơn 830 tỷ đồng, bộ sậu Gang thép Thái Nguyên sắp hầu tòa - 1

Hiện trạng dự án của Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Theo cáo trạng, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD (hơn 3.500 tỷ đồng).

Năm 2012, bị cáo Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TISCO, người đại diện vốn chính của VNS tại TISCO) ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng. Từ đó, năm 2013, VNS xin ý kiến Bộ Công Thương và bộ này có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận.

Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC với tổng chi phí tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).

Bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc TISCO) ký văn bản gửi Bộ Công Thương và VNS đề nghị cho giải quyết đặc cách phạm vi được điều chỉnh về giá thiết bị và các chi phí khác với dự án. Bị cáo Mừng không chỉ đạo áp dụng điều khoản để dừng hợp đồng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng mà quyết tâm thực hiện dự án.

Viện KSND Tối cáo xác định, hành vi của bị cáo Trần Trọng Mừng đã khiến dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí trên 830 tỷ đồng (đây là khoản lãi vay hàng tháng TISCO đã trả cho các ngân hàng trên tổng số vốn vay trên 3.000 tỷ để đầu tư dự án).

Bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Tổng Giám đốc TISCO) bị VKS cáo buộc có các hành vi sai phạm khiến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án, không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng, làm dự án phải dừng thi công gây thất thoát trên 830 tỷ đồng.