Dương Chí Dũng: Không ý kiến việc mua ụ nổi vì “không ưa” TGĐ
(Dân trí) - Không chỉ đạo mua ụ nổi mới hay cũ; không đề cử người đi khảo sát; không tham gia ý kiến suốt quá trình mua ụ… Dương Chí Dũng lý giải bản thân “vô can” vì đó là việc của Tổng GĐ Mai Văn Phúc mà Dũng và Phúc lại “quan hệ không tốt”.
Dương Chí Dũng trả lời từng câu hỏi của vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa, xác nhận đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vinalines từ tháng 1/2007. Còn dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, Tổng Cty Hàng hải có chủ trương từ năm 2006.
Khi đó, Dương Chí Dũng cũng đã là thành viên HĐQT, giữ chức vụ Tổng GĐ. Dũng cũng xác nhận, đề án khi đó do bị cáo ký trình HĐQT xem xét, xuất phát từ nhận định thực tế là nhu cầu sửa chữa tàu biển rất lớn. Đề án được nhất trí phê duyệt sau đó.
Dương Chí Dũng được dẫn giải vào phòng xử án (ảnh TTXVN)
Vốn đầu tư dự án được Vinalines xác định vay ngân hàng. Bị truy về việc xác định nguồn trả nợ, Dương Chí Dũng cho biết, Tổng Cty dự kiến phát hành cổ phần để huy động với 80% giá trị đầu tư, 20% còn lại các đối tác khác góp vốn.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi, như vậy là chưa xác định nguồn trả nợ, có phải khoản này sẽ trình nhà nước quyết toán, nhà nước phải chịu lãi toàn bộ cho khoản vay đề đầu tư dự án này của Vinalines? Câu hỏi không có câu trả lời.
Cựu Chủ tịch Vinalines cũng trình bày việc làm văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị Bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng về dự án. Dương Chí Dũng cho rằng, khi có văn bản đồng ý bổ sung dự án vào quy hoạch ngành hàng hải từ Chính phủ, bị cáo hiểu đã được chấp nhận về chủ trương nên giao Ban GĐ lập dự án ngay. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra sau khi bị khởi tố, truy nã, bắt giam mới hiểu là phải chờ dự án được Bộ GTVT cập nhật trong quy hoạch ngành mới có giá trị.
Việc mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng một mực khẳng định không chỉ đạo, cũng không định hướng việc mua ụ nổi là mua mới hay nhập tàu cũ vì công việc cụ thể này HĐQT đã giao Tổng GĐ Mai Văn Phúc thực hiện. Bị cáo biết thông tin nhà máy Nakhodka của Nga có rao bán 2 ụ nổi cũng là do Tổng GĐ trình trước HĐQT.
“Bị cáo không chỉ đạo bất cứ ai, kể cả Tổng GĐ về việc này vì đây là phần việc thuộc thẩm quyền của ban GĐ” – Cựu Chủ tịch Vinalines quả quyết.
Về đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga, Dương Chí Dũng cũng phân trần không giới thiệu, tiến cử ai tham gia đoàn, chỉ biết thành phần có Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều, Phó Trưởng Ban đóng mới tàu biển Mai Văn Khang, Phó Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam Trần Hải Sơn. Trước khi sang Nga, Triều có đến chào, Dũng chỉ tiếp nước, “chúc anh em đi an toàn, thuận lợi”.
Bị cáo nhắc lại, bản thân không nhận được bất cứ báo cáo nào riêng bằng văn bản hay bằng lời về việc mua ụ nổi, chỉ khi Mai Văn Phúc trình ra HĐQT mới cùng nghe và biết thông tin mua ụ qua công ty AP của Singapore với giá 9 triệu USD.
Biết ụ nổi 83M thuộc dòng “cao niên”, sản xuất từ năm 1965, bị cáo có hỏi sao không mua trực tiếp của Nga thì được báo cáo là không mua được vì vướng thủ tục xuất nhập khẩu, bắt buộc phải mua qua công ty của Singapore. Việc thay đổi phương thức vận chuyển ụ nổi về Việt Nam (chuyển từ phương án lai dắt bằng cách chở trên tàu nâng trọng tải lớn) làm tăng chi phí đầu tư nhưng cũng phải chấp nhận, theo lý giải của Dương Chí Dũng là vì trước đó, Vinashin cũng từng mua 2 chiếc tương tự nhưng quá trình kéo về Việt Nam đều bị đắm, chìm cả 2.
“Sau khi mua ụ, tôi cũng không chỉ đạo gì cụ thể vì tất cả việc đó là của ban GĐ. Không bao giờ tôi can thiệp bất cứ điều gì với việc làm của Tổng GĐ vì quan hệ cá nhân giữa tôi và anh Phúc không tốt. Tôi không bao giờ chỉ đạo công việc của anh em là vì thế” – Dương Chí Dũng giải trình.
Chiều nay, tòa tiếp tục nội dung xét hỏi vào 13h30.