1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đòi nợ thuê – ám ảnh “nặc nô”

Thủ đoạn tàn độc của các băng nhóm côn đồ đòi nợ thuê ngày càng táo tợn, gần đây nhất là vụ việc một con nợ chỉ vì trễ hạn bỗng chốc bị chúng tẩm xăng “thiêu sống” khiến cho toàn thân phỏng nặng, tính mạng nguy kịch.

Đây là hồi chuông cảnh báo các cơ quan bảo vệ pháp luật cần nghiêm trị loại tội phạm kiểu “xã hội đen” này.

Thiêu sống con nợ

Công an quận 8 (TP HCM) đang điều tra một băng nhóm giang hồ “thiêu sống” con nợ khiến cho nạn nhân là ông Võ Văn Tài (59 tuổi, quê Long An, tạm trú phường 2, quận 8) lâm vào tình trạng nguy kịch. Đối tượng trực tiếp tẩm xăng đốt ông Tài là Lê Hoàng Anh (27 tuổi, trú phường Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã bị bắt giữ ngày 2/4 vừa qua. Cảnh sát đang ráo riết truy lùng 3 tên đồng bọn đang lẩn trốn là Trần Văn Út (36 tuổi), Phan Thành Châu (26 tuổi), Đào Văn Tài (34 tuổi), cả ba đều trú ở TP Biên Hòa.

Đòi nợ thuê – ám ảnh “nặc nô”
Các đối tượng trong băng đòi nợ thuê của Chen Chi Yung (người Đài Loan)

Điều tra cho thấy, vào giữa tháng 11/2011, ông Tài có mượn của một nữ Việt kiều Mỹ số tiền 4.000USD (trên 80 triệu đồng) với lời hứa sẽ hoàn trả trong tháng 2/2012. Thế nhưng, dù đến hạn nhưng ông Tài vẫn chưa trả nợ nên nữ Việt kiều này gọi điện về cho cháu là Nguyễn Bá Thịnh (38 tuổi, ngụ quận 11, TP HCM) tìm đến nhà ông Tài đòi nợ. Thịnh có đến nhà ông Tài đòi nợ nhưng không thành nên đã thuê một nhóm chuyên đòi nợ thuê ở TP Biên Hòa với mức giá là 20 triệu đồng.

Sáng 11/3, nhóm Lê Hoàng Anh lên Sài Gòn đòi nợ, trên đường đi có mua một bình xăng với ý định sẽ gặp ông Tài để hù dọa. Khi đến nhà ông Tài, nhóm đòi nợ gọi ông ra ngồi “nói chuyện”, biết ông Tài vẫn không có tiền trả nên Lê Hoàng Anh khống chế đổ xăng khắp người ông Tài rồi bật hộp quẹt dẫn đến bén lửa khiến ông nằm quằn quại như ngọn đuốc sống. Hiện ông Tài vẫn nằm điều trị tại khoa Bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi cắt bỏ da thịt hoại tử với vết phỏng nặng trên 45% trong điều kiện gia cảnh gặp khó khăn.

Trường hợp của ông Tài chỉ là điển hình “thê thảm” mới nhất trong số hàng loạt vụ việc con nợ bị chủ nợ thuê các băng nhóm côn đồ ra tay tàn độc trong thời gian qua. Thông thường, giá của mỗi phi vụ đòi nợ thuê của các băng nhóm côn đồ thường từ 20-30% trên tổng số nợ mà chúng đòi được. Đối với những con nợ “cộm cán” thuộc dạng mặt dày, khó đòi thì chúng đòi hỏi phải nâng tỉ lệ này lên đến 50%. Cũng chính vì những khoản lợi nhuận phần trăm kếch xù từ số tiền đòi nợ mà cuối tháng 3 vừa qua, Nguyễn Mạnh Thắng (36 tuổi, quê Hà Nội, nguyên Trưởng ban Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp thương hiệu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam) đã bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên mức án 14 tháng tù giam về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” vì câu kết với giang hồ đi đòi nợ thuê bằng thủ đoạn bắt cóc rồi hành hạ dã man con nợ.

Để đòi được nợ, nhiều băng nhóm côn đồ đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nham hiểm nào cả, từ dạng “đơn giản, bạo lực” như bắt cóc tống tiền nợ, bắt giữ người trái pháp luật để tra tấn, đe dọa cho đến cực kỳ độc ác như tẩm xăng thiêu sống, thậm chí dùng súng, mã tấu sát hại con nợ.

Lý giải về tình trạng này, một cán bộ điều tra Công an TP HCM chuyên thụ lý điều tra các băng nhóm đòi nợ thuê đã cho biết: Hàng loạt vụ đòi nợ thuê gần đây cho thấy bóng dáng của hoạt động tội phạm kiểu xã hội đen khá manh động, táo tợn và có chiều hướng gia tăng. Nhiều chủ nợ cho vay nặng lãi vốn có mối quan hệ khăng khít với băng nhóm giang hồ nên thường thuê bọn chúng đi gặp các con nợ nhằm giải quyết cho rốt ráo. Mặt khác, do phát sinh những mâu thuẫn trong giải quyết nợ nần nên vì nôn nóng mà các chủ nợ đã thuê côn đồ đòi nợ. Đối với bọn côn đồ đòi nợ mướn thì dù số tiền đòi nợ rất nhỏ, chúng vẫn sẵn sàng lao vào tra tấn dã man con nợ miễn sao moi được tiền.

Chẳng lẽ bó tay?

Ngoài việc bắt giữ con nợ để đánh đập tàn nhẫn, buộc trả nợ cho bằng được, các băng nhóm này còn dùng bạo lực để đe dọa hoặc khủng bố tinh thần con nợ bằng cách nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa suốt ngày đêm. Nếu con nợ chây ì thì chúng mang theo hung khí như dao, kiếm, mã tấu, súng để tìm đến nhà uy hiếp con nợ. Hơn nữa, chúng còn đổ chất bẩn vào nhà hoặc đổ xăng phóng hỏa đốt nhà, nặng hơn nữa là chất nổ để đánh sập nhà con nợ. Có băng nhóm còn gây sức ép bằng cách gửi vòng hoa, quan tài tới nhà riêng hoặc nơi làm việc của con nợ, kèm theo những lời đe dọa sẽ giết hại con nợ và gia đình.

Đòi nợ thuê – ám ảnh “nặc nô”
Hung khí gây án

“Nhẹ nhàng” hơn, có ổ nhóm còn viết tờ rơi hoặc thuê xe mang băng rôn có nội dung bêu xấu làm hạ uy tín, danh dự của con nợ…

Không những vậy, các chủ nợ còn thuê cả các tay “anh chị xã hội đen” từ nước ngoài vào Việt Nam hoạt động để đi đòi nợ. Đơn cử như ngày 30/3 vừa qua, Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã bắt giữ băng nhóm đòi nợ thuê gồm Chen Chi Yung (người Đài Loan, tạm trú thị xã Dĩ An) và các tên Hứa Kiến Hào, Vương Gia Hào và Lý Hoàng Phong (cùng ngụ tại TP HCM). Công an đã thu giữ hai khẩu súng nhựa, hai roi điện, một dùi cui, một bình xịt hơi cay, ba biển số xe, một bộ tóc giả, sáu cuộn băng dính tại phòng… nhằm mục đích để uy hiếp, tra tấn con nợ.

Qua điều tra thì kẻ cầm đầu băng nhóm chính là “đại ca Đài Loan” Chen Chi Yung. Đối tượng này sang Việt Nam làm bảo kê tại tụ điểm giải trí Hán Cung (Dĩ An, Bình Dương), quen biết nhiều đồng hương đến vui chơi tại đây. Trong đó, một người tên Hoàng (tạm trú huyện Phú Giáo, Bình Dương) có quen biết Yung. Hoàng nói với Yung có một người Đài Loan nợ Hoàng 1,6 tỉ đồng và nhờ đòi nợ. Nhận lời Hoàng, Yung đã thuê 3 đàn em Kiến Hào, Gia Hào cùng Phong thực hiện “hợp đồng” trên. Trong lúc nhóm đòi nợ mang theo hung khí vào khách sạn chờ Yung để đi bắt cóc con nợ đưa về khách sạn để tra tấn thì bị công an tóm gọn.

Các nguyên nhân khiến chủ nợ đi thuê mướn các băng nhóm côn đồ đòi nợ chính vì những trình tự, thủ tục giải quyết một vụ kiện dân sự diễn ra khá lâu khiến cho chủ nợ không muốn khởi kiện con nợ ra tòa. Có vụ kiện đòi nợ kéo dài nhiều năm, phải qua các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, rồi giám đốc thẩm, tái thẩm… Ngay cả khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng không thi hành án được, vì vậy, để thu hồi nợ nhanh, các chủ nợ đành phải chọn cách thuê các băng nhóm giang hồ để gây áp lực buộc con nợ phải trả.

Một đặc điểm chính của tình trạng côn đồ đòi nợ thuê là do chủ nợ và con nợ có những giao dịch trái pháp luật như cho vay nặng lãi để trả nợ tiền cá độ, cờ bạc, lô đề… Để thu nợ kiểu này, chủ nợ chỉ còn cách duy nhất là tìm đến “thế giới ngầm” để “xử” con nợ.

Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và phải xử lý nghiêm khắc các băng nhóm này trước pháp luật. Về phía những chủ nợ khi cho vay mượn tiền bạc, tài sản cần phải có giấy tờ cho vay hợp lệ để có thể chứng minh với cơ quan pháp luật khi nhờ pháp luật giải quyết.

Thiết nghĩ các cơ quan tư pháp cũng cần nghiên cứu giảm bớt thời gian thụ lý, thi hành án một vụ kiện dân sự để đòi nợ. Hơn nữa, cũng cần có quy định cụ thể, rõ ràng trong việc xử lý những vụ nợ nần, phải xác định rõ đâu là án dân sự, đâu là án hình sự. Bởi vì khi vỡ nợ quy mô lớn, chủ nợ gửi đơn sang Cơ quan Công an thì không được xem xét giải quyết với lý do đó là quan hệ dân sự, đến khi họ gửi đơn ra tòa án thì không được thụ lý với lý do có dấu hiệu hình sự. Thế là “quả bóng” nợ nần cứ chuyền tới chuyền lui khiến cho các chủ nợ rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn không biết nhờ cơ quan nào thụ lý, giúp đỡ, chẳng lẽ lại phải tiếp tục nhờ đến bọn côn đồ đâm thuê chém mướn?

Theo Thế Vinh

Petrotimes