1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Y án 13 năm tù đối với ông Đinh La Thăng

(Dân trí) - HĐXX đã tuyên bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, y án sơ thẩm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Mức án cụ thể dành cho các bị cáo:

Y án 13 năm tù đối với ông Đinh La Thăng - 1

Bị cáo Đinh La Thăng

Bị cáo Đinh La Thăng

Lược lại nội dung vụ án cũng như bản án sơ thẩm, chủ tọa phiên tòa cho biết, sau phiên sơ thẩm, 15/22 bị cáo và một người có quyền lợi và nghĩa liên quan có đơn kháng cáo. Các bị cáo không có đơn kháng cáo và các nguyên đơn dân sự được triệu tập đến tòa phúc thẩm với tư cách người làm chứng.

Trước phiên phúc thẩm, Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo, đồng thời xin vắng mặt tại tòa phúc thẩm vì lý do sức khỏe. Tại tòa, anh Trịnh Hùng Cường - con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh - cũng có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo. TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ phúc thẩm với bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bản án sơ thẩm trong vụ án này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi quyết định đình chỉ phúc thẩm được ra.

Tại bản án phúc thẩm, HĐXX cho rằng, căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai và tranh luận công khai tại phiên tòa có thể thấy, việc bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo chỉ định tổng thầu là PVC, chỉ đạo chi tiền tạm ứng cho nhà thầu, dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn là hoàn toàn có căn cứ. Vì vậy, kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực cho rằng không phạm tội “Cố ý làm trái” và kháng cáo xem xét lại tội danh là không có căn cứ.

HĐXX khẳng định, kháng cáo của bị cáo Thăng và quan điểm của luật sư bào chữa chỉ là giả thiết nên không có căn cứ để chấp nhận. Khi quyết định hình phạt, tòa cấp sơ thẩm đã căn cứ các quy định pháp luật và tuyên phạt bị cáo Thăng 13 năm tù là hoàn toàn cần thiết. Tại phiên tòa phúc thẩm, không có căn cứ để giảm hình phạt cho bị cáo Đinh La Thăng.

Y án 13 năm tù đối với ông Đinh La Thăng - 3

HĐXX đang tuyên án ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm

HĐXX đang tuyên án ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm

Về bị cáo Phùng Đình Thực, HĐXX xác định, với cương vị TGĐ PVN và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nên bị cáo này phải chịu trách nhiệm về các sai phạm tại Dự án Thái Bình 2. Việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc với bị cáo là cần thiết.

Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, bị cáo Thực đã nhận có thiếu sót và không kiểm tra các vấn đề liên quan đến Dự án Thái Bình 2. Bên cạnh đó, bản thân bị cáo từng có nhiều đóng góp cho PVN; gia đình bị cáo thuộc trường hợp có công với cách mạng. Hiện bản thân bị cáo tuổi cao sức yếu và đang điều trị tim mạch. Từ khi nghỉ hưu đến nay, bị cáo vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, có đóng góp lớn cho đất nước nên có cơ sở xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với 11 bị cáo có kháng cáo trong vụ án, HĐXX phúc thẩm cho rằng, các bị cáo này đều thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Quý ban đầu cho rằng không phạm tội “Cố ý làm trái” nhưng trong phần tranh luận lại thừa nhận tội.

Quá trình giải quyết vụ án, một số bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả, trong đó có có bị cáo Nguyễn Quốc Khánh nộp hơn 7 tỷ đồng. Bị cáo cũng có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng nên có cơ sở xem xét giảm một phần hình phạt.

Đối với bị cáo Vũ Đức Thuận, tòa phúc thẩm cũng cho rằng cũng có căn cứ để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với bị cáo Lê Đình Mậu, HĐXX đánh giá, quá trình thực hiện Dự án Thái bình 2, được bị cáo Ninh Văn Quỳnh ủy quyền khi đi công tác trong 2 ngày. Thời gian này là quá ngắn nên không nắm bắt được các vấn đề ở Dự án Thái Bình 2. Cấp sơ thẩm đánh giá hành vi của bị cáo có mức độ là hoàn toàn chính xác. Bị cáo Mậu cũng được PVN có đơn xin giảm trách nhiệm hình sự nên có cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đối với một số bị cáo tiếp theo, sau khi phân tích đánh giá hành vi phạm tội cũng như nội dung kháng cáo, HĐXX phúc thẩm cho rằng có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt.

Đối với kháng cáo về trách nhiệm bồi thường dân sự của bị cáo Đinh La Thăng, Vũ Đức Thuận và Vũ Hồng Chương, tòa cấp phúc thẩm khẳng định không có căn cứ để chấp thuận.

Về hành vi tham ô tài sản, HĐXX phúc thẩm nhìn nhận, tại tòa, các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội, các lời khai đều phù hợp với nhau và các bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. HĐXX thấy, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng và có sự cấu kết chặt chẽ với các đối tượng bên ngoài.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là có tổ chức, là tình tiết tăng nặng nhưng cấp sơ thẩm đã không áp dụng, xem xét, điều này là có lợi cho các bị cáo. Số tiền mà các chiếm đoạt (hơn 13 tỷ đồng) gây bất bình trong dư luận xã hội. Do đó, HĐXX thấy cần giữ nguyên hình phạt với các bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”.

Từ những nhận định nêu trên, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bố bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái”. Bị cáo Vũ Đức Thuận và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”.

HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực về mặt tội danh; chấp nhận kháng cáo của một số bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái”, đồng thời sửa một phần bản án sơ thẩm để giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo này. HĐXX cũng tuyên bố không chấp nhận kháng cáo của bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”, đồng thời giữ nguyên hình phạt tại bản án sơ thẩm.

Tiến Nguyên