Ông Đinh La Thăng thấy “đau xót, day dứt” trong 4 bức tường trại giam

(Dân trí) - Trình bày trước tòa, cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng nói bản thân rất đau xót, day dứt khi để xảy ra vụ án ở đơn vị mà mình là người đứng đầu. Trong 4 bức tường trại giam, bị cáo thấy mình có lỗi, không thể cầm bút khai ra những thành tích của mình để xin giảm nhẹ hình phạt.

“Có bán nhà cũng chỉ bồi thường được phần nhỏ”

Trình bày về nội dung kháng cáo của bản thân chiều 9/5, bị cáo Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá lại tội danh, hình phạt cũng như trách nhiệm dân sự vì cho rằng cấp sơ thẩm đánh giá chưa đúng với phạm vi trách nhiệm của mình.

Án sơ thẩm quy kết ông Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tuyên phạt bị cáo này 13 năm tù giam và buộc bồi thường 30 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh: TTXVN)
Cựu Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh: TTXVN)

Trước câu hỏi của đại diện VKS rằng bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hay kêu oan, cựu Chủ tịch PVN không khẳng định oan hay sai nhưng cho rằng mình không phạm tội cố ý làm trái. Ông Thăng nhận bản thân có thiếu trách nhiệm và nhận trách nhiệm người đứng đầu.

“Tôi nhận mình thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Mong tòa khách quan xem xét. Tôi cũng như lãnh đạo Tập đoàn không bao giờ biết sai mà vẫn làm, không cố ý làm trái để đạt được mục đích gì cả. Tôi không tư lợi gì cả, tất cả vì mục đích xây dựng tập đoàn thành đầu tầu kinh tế của đất nước.” - ông Thăng nói.

Được hỏi về tình tiết giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, ông không khai thành tích cá nhân vì thấy đau xót và bứt rứt khi để xảy ra vụ án ở đơn vị mà mình đứng đầu.

“Thời gian qua, trong 4 bức tường trại giam, nhiều đêm tôi không ngủ được vì thấy mình có lỗi. Tôi không thể cầm bút khai ra những thành tích của mình để xin giảm nhẹ hình phạt nhưng cũng xin HĐXX xem xét.” - ông Thăng trình bày.

Bị cáo Phùng Đình Thực trả lời HĐXX chiều 9/5. (Ảnh chụp màn hình)
Bị cáo Phùng Đình Thực trả lời HĐXX chiều 9/5. (Ảnh chụp màn hình)

Dẫn quy định tình tiết xem xét giảm nhẹ hình phạt, trong đó có việc tự nguyện bồi thường, đại diện VKS lưu ý bị cáo Thăng, đến thời điểm này bị cáo và gia đình chưa có khắc phục phần dân sự, trong khi phiên phúc thẩm xét xử vụ án PVN thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank cũng sắp diễn ra có liên quan bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo Thăng một lần nữa nhấn mạnh, đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại về căn cứ tính giá trị thiệt hại, phạm vi trách nhiệm quyền hạn của Chủ tịch HĐTV đối với việc gây ra thiệt hại.

“Tôi nhận trách nhiệm người đứng đầu nhưng xin HĐXX xem xét, đánh giá đúng với chức năng, quyền hạn. Tôi có một căn chung cư đang ở, nếu bán cũng chỉ được một phần nhỏ so với số tiền phải bồi thường. Khi tòa cấp cao xử đúng trách nhiệm thì tôi sẽ cùng gia đình cố gắng khắc phục tối đa.” - cựu Chủ tịch PVN trả lời đại diện VKS.

Nhân chứng bị tòa bất ngờ triệu tập nói gì?

Tại các phiên xử trước, bị cáo Phùng Đình Thực - cựu Tổng Giám đốc PVN - đều khẳng định bản thân không nhận được nhiều văn bản PVPower và PVC gửi lên. Đây là một trong những điểm quan trọng để tòa đánh giá về trách nhiệm của bị cáo trong vụ án này liên quan đến tội “Cố ý làm trái”.

Để làm rõ nội dung này, tòa phúc thẩm đã triệu tập ông Hồ Công Kỳ - nguyên Chánh Văn phòng PVN giai đoạn 2010-2011, hiện là Chủ tịch HĐTV PVPower.

Nguyên Chánh Văn phòng PVN Hồ Công Kỳ có mặt tại tòa chiều 9/5.
Nguyên Chánh Văn phòng PVN Hồ Công Kỳ có mặt tại tòa chiều 9/5.

Có mặt tại tòa chiều 9/5, trả lời HĐXX, ông Kỳ cho biết, ông làm Chánh Văn phòng PVN từ tháng 11/2010 - 4/2013. Văn phòng có chức năng nhiệm vụ là tiếp nhận và phân phối công văn đi và đến của Tập đoàn theo quy chế quản lý công tác văn thư lưu trữ, căn cứ vào quyết định phân công trong HĐTV và Ban TGĐ Tập đoàn. Giai đoạn này, ông Kỳ phân công uỷ quyền cho Phó Chánh Văn phòng Khương Văn Đạt trực tiếp phụ trách văn thư lưu trữ và phân phối công văn đến lãnh đạo Tập đoàn.

“Tập đoàn sử dụng hệ thống văn thư lưu trữ điện tử và lưu trữ một cách chu đáo, thận trọng nên nếu cần truy xuất cũng dễ dàng. Việc chuyển văn bản cho ai, đến ai xử lý hoàn toàn thực hiện theo phân công nhiệm vụ và quy chế quản lý văn thư lưu trữ.” - ông Kỳ nói trước tòa.

HĐXX tiếp tục hỏi ông Khương Văn Đạt, hiện vẫn là Phó Chánh Văn phòng PVN, người cũng có mặt tại tòa. Ông Đạt cho biết, tuỳ theo trường hợp cụ thể dựa trên căn cứ phân công nhiệm vụ thì văn bản sẽ được chuyển đến người nhận. Có những công văn không nhất thiết phải được gửi trực tiếp đến Tổng Giám đốc.

Ông Khương Văn Đạt, Phó Chánh Văn phòng PVN, trả lời HĐXX.
Ông Khương Văn Đạt, Phó Chánh Văn phòng PVN, trả lời HĐXX.

Dẫn các văn bản số 3492, 3564, 3769, 641 vào các năm 2010 và 2011 mà PVPower và PVC gửi lên nhưng cựu TGĐ Phùng Đình Thực nói không nhận được, chủ toạ phiên tòa hỏi ông Đạt, hệ thống lưu trữ có truy xuất và chứng minh được văn bản đó đã được chuyển cho ai hay không? Ông Đạt cho biết là kiểm tra được, do đó tòa cho biết sẽ yêu cầu Văn phòng PVN truy xuất để đánh giá cụ thể sau.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hà Huy Được bất ngờ cho biết, quá trình thu thập chứng cứ, luật sư được chính ông Khương Văn Đạt cung cấp bản copy trên hệ thống của tập đoàn PVN về 4 công văn trên và muốn xuất trình cho HĐXX.

Tại tòa, ông Đạt đã xem lại các văn bản mà luật sư đưa ra và xác nhận có chữ ký sao y. Theo luật sư Được, qua kiểm tra cho thấy ông Phùng Đình Thực không nhận được các văn bản đó.

Ngày 10/5, tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Tiến Nguyên