“Đại gia” Trầm Bê muốn nộp lại 171 tỷ đồng trong vòng 15 ngày
(Dân trí) - Trong phiên tòa xét xử vụ thất thoát 505 tỷ đồng tại ngân hàng Phương Nam vào hôm nay (24/7), bị cáo Trầm Bê thể hiện mong muốn nộp lại số tiền 171 tỷ đồng trong vòng 15 ngày.
Hồ sơ vụ án thể hiện, Dương Thanh Cường đã có hành vi ký hồ sơ vay vốn gian dối, dùng tài sản đảm bảo là khu đất 10,5ha tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) đang thế chấp tại ngân hàng Agribank chi nhánh 6 để được ngân hàng Phương Nam cho vay và chiếm đoạt.
Trầm Bê đã có hành vi ký duyệt cho phép sở giao dịch cho vay đối với tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, đồng thời giải ngân trước khi thực hiện công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo trong khi hồ sơ vay vốn của công ty Bình Phát không đủ điều kiện cấp tín dụng.
Bị cáo Trầm Bê cho rằng giá trị tài sản bị cáo Dương Thanh Cường thế chấp cho ngân hàng Phương Nam đủ để thanh toán cho khoản nợ của bị cáo Cường tại ngân hàng này và nghĩa vụ tại Agribank chi nhánh 6.
Bị cáo Bê nhấn mạnh dù khu đất thuộc 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong quy hoạch thì chỉ cần Nhà nước đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn đủ để thanh toán cho cả 2 ngân hàng.
Lý giải về việc làm đơn xin được nộp thay 171 tỷ đồng cho Dương Thanh Cường, Trầm Bê cho biết ông muốn xử lý dứt điểm một bên để giải quyết sớm vụ việc. Song, ông chỉ nộp tiền nếu giải tỏa kê biên và giao cho Sacombank 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên. Đồng thời ông Bê cam kết "trong vòng 15 ngày sẽ thực hiện ngay".
Về nguồn tiền để nộp thay bị cáo Cường, Trầm Bê cho rằng nếu được cơ quan tố tụng chấp thuận thì bị cáo sẽ vay tiền tại ngân hàng Sacombank hoặc huy động tiền của gia đình, bạn bè của bị cáo.
"Nếu kêu tôi nộp tiền mà không trả tài sản thì tôi không nộp. 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó không phải là vật chứng mà yêu cầu tòa xem xét kỹ đây là tài sản thế chấp. Nếu Dương Thanh Cường có lừa thì không phải lừa Sacombank bởi chúng tôi đang giữ tài sản", bị cáo Trầm Bê nói.
Theo bị cáo Trầm Bê, năm 2010, Dương Thanh Cường còn nợ ngân hàng Phương Nam 331 tỷ đồng, bị cáo Cường đã tất toán với ngân hàng Phương Nam. Khi ngân hàng Phương Nam sát nhập vào Sacombank thì tài sản của ngân hàng Phương Nam chuyển sang Sacombank. Nếu tài sản này bán có lời thì Sacombank hưởng trọn, còn nếu bán lỗ thì Sacombank phải chịu.
Trầm Bê cho rằng do Dương Thanh Cường đã tất toán với ngân hàng Phương Nam nên Cường không còn trách nhiệm gì nữa, không thể "đổ thừa" cho bị cáo Dương Thanh Cường cũng như các nhân viên ngân hàng.
Sở dĩ có con số chênh lệch (ông Cường nợ ngân hàng Phương Nam 331 tỷ đồng nhưng trên sổ sách Sacombank ghi nợ 505 tỷ đồng) là do trước đây ông Cường vay bằng vàng, mà tỉ giá vàng lúc lên lúc xuống.
Được hỏi ý kiến về việc bồi thường 505 tỷ đồng, bị cáo Trầm Bê nói xin được thanh lý tài sản là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu thanh lý mà lỗ thì khoản lỗ này mới là thiệt hại. "Nếu thiếu, tôi xin nhận trách nhiệm thanh toán khoản này" - ông Bê nói.
Về phần mình, bị cáo Dương Thanh Cường không đồng ý cho bị cáo Trầm Bê nộp thay mình số tiền 171 tỷ đồng và mong muốn được cơ quan tố tụng tạo điều kiện để Cường cùng cơ quan thi hành án phát mãi tài sản là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thanh toán cho các ngân hàng.
Trong vụ án, không chỉ có bị cáo Trầm Bê, Dương Thanh Cường muốn sở hữu 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên. Bị hại là Sacombank và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Agribank cũng thể hiện mong muốn HĐXX giao 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình xử lý.
Ngày 27/7, đại diện Viện KSND TPHCM sẽ phát biểu quan điểm xử lý vụ án cũng như đề nghị hình phạt đối với từng bị cáo.
Liên quan đến hành vi gian dối đối với Agribank, hồi tháng 11/2015, TAND TPHCM đã tuyên phạt Dương Thanh Cường mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc Cường bồi thường cho ngân hàng này hơn 1.100 tỷ đồng.
Toà cũng hủy lệnh kê biên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho Ngân hàng Phương Nam quản lý. Bởi ngân hàng này là đơn vị quản lý hợp pháp.
Bản án này được tòa phúc thẩm giữ nguyên. Tuy nhiên, TAND Tối cao sau đó kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm về phần dân sự - tức xem xét lại quyết định trả cho Phương Nam 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 3/5/2019, TAND TPHCM xử sơ thẩm lần 2, tiếp tục kê biên các tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho Agribank. Quyền lợi của Ngân hàng Phương Nam sẽ được xem xét khi Trầm Bê và các thuộc cấp bị đưa ra xét xử.