Đại gia Hứa Thị Phấn phải bồi thường 16.791 tỉ đồng
(Dân trí) - Theo HĐXX, cấp sơ thẩm đã xem xét toàn bộ nội dung vụ án nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Ngày 2/11, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng đồng phạm. Các bị cáo bị truy tố ở 2 tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt tại phiên tòa không có lý do, HĐXX nhận định hiện nay bị cáo Phấn đã 71 tuổi, sức khỏe chỉ còn 7%, nên không áp giải bị cáo tới phiên tòa là đúng quy định của pháp luật.
Theo HĐXX, mặc dù kêu oan nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án xác định bị cáo Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ của TrustBank để điều hành, chi phối, thâu tóm toàn bộ HĐQT, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, hoạt động thu chi tiền mặt nhằm thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái thông qua việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ khoảng 154 tỉ đồng lên đến 1.260 tỉ đồng để bán cho TrustBank, chiếm đoạt của ngân hàng hơn 1.105 tỉ đồng; hạch toán thu - chi khống, cấn trừ để gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỉ đồng.
Hành vi của bị cáo Phấn và các bị cáo trong vụ án là nguyên nhân dẫn đến thực trạng TrustBank bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém), tháng 2/2012 vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng, là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB, tiền thân là TrustBank), khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của TrustBank từ bị cáo Phấn.
Đối với chứng cứ mới do luật sư Trương Thị Minh Thơ cung cấp tại tòa, HĐXX cho rằng không chứng minh được chiếc USB này do Hứa Thị Phấn cung cấp, cũng như chưa được đối chất với Hứa Thị Phấn. Sau khi khởi tố, sức khỏe Hứa Thị Phấn yếu không thể tiếp xúc, không thể hỏi cung. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận đây là chứng cứ của vụ án.
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Bùi Thị Kim Loan kháng cáo kêu oan tuy nhiên tại phiên tòa bị cáo Loan thay đổi yêu cầu kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt và cho rằng không nhận thức được sự việc nên mới hành động như vậy tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên qua quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa xác định bị cáo Loan là trợ thủ đắc lực giúp sức cho Hứa Thị Phấn chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Theo HĐXX, hầu hết các bị cáo thành khẩn khai báo đúng như cáo trạng quy kết, vì vậy có đủ căn cứ truy tố các bị cáo các tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hứa Thị Phấn được xác định là người chủ mưu, chỉ đạo các nhân viên của ngân hàng lập các hồ sơ chứng từ khống nhằm rút tiền ra khỏi ngân hàng.
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, HĐXX quyết định bác tất cả kháng cáo của 11 bị cáo, của nguyên đơn dân sự là ngân hàng Xây Dựng cũng như 16 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Từ đó HĐXX tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn). Cùng tội danh trên tòa tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Kim Loan 28 năm tù, các đồng phạm khác bị tuyên phạt từ 2 – 10 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc Hứa Thị Phấn bồi thường hơn 16.791 tỉ đồng cho Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB (tiền thân là TrustBank), buộc công ty Phương Trang phải trả cả gốc và lãi hơn 6.400 tỉ đồng cho CB.
Xuân Duy