1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu Trung tá công an vẫn phải ngồi tù sau gần 10 năm chữa tâm thần

Xuân Duy

(Dân trí) - Ông Nên bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Quá trình điều tra, người đàn ông này bị tâm thần, phải điều trị bệnh trong suốt thời gian dài.

Vụ án này xảy ra hơn 20 năm trước tại Công an tỉnh Tiền Giang. Các đồng phạm khác đã bị xét xử từ lâu nhưng ông Nguyễn Văn Nên (Trung tá, cựu Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang) bị tâm thần, phải áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc gần 10 năm.

Vì lý do trên, vụ án kéo dài hơn 2 thập kỷ mới có hồi kết.

Đem tiền thu giữ trong vụ án đi gửi tiết kiệm

Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2002, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án Buôn lậu, Đưa hối lộ xảy ra tại Công ty TNHH Thành Phát, TP Mỹ Tho, (tỉnh Tiền Giang) gọi tắt là vụ án 502X.

Cựu Trung tá công an vẫn phải ngồi tù sau gần 10 năm chữa tâm thần - 1

Một bút tích của ông Nên trong vụ án (Ảnh: Đ.X).

Trong quá trình điều tra vụ án, Công an tỉnh Tiền Giang tạm giữ tiền, tài sản, của các bị can, đương sự. Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án đã không mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước để quản lý mà đem gửi tiết kiệm tại ngân hàng lấy lãi. 

Theo đó, ông Ngô Thanh Phong (cựu Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra) đã quyết định cho cấp dưới đem toàn bộ số tiền thu giữ trong vụ án gửi ngân hàng thương mại dưới dạng gửi tiết kiệm đứng tên cá nhân để lấy lãi, nộp quỹ riêng của đơn vị để chi tiêu vì mục đích vụ lợi.

Trong vụ án 502X, ông Nên không được phân công điều tra nhưng đã bàn bạc, thống nhất với ông Phong mang toàn bộ số tiền thu giữ trong vụ án trên gửi tiết kiệm tại ngân hàng để lấy lãi, nộp quỹ riêng của đơn vị và chi tiêu trái quy định.

Từ năm 2002 đến 2004, ông Nên là người trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc cấp dưới đem tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi tiết kiệm trong 2 đợt đầu thu lãi gần 1,2 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên, ông Nên và Ban chỉ huy phòng đã chi tiêu hết cho các khoản nợ, tiếp khách, mua sắm tài sản, chi cho cá nhân trái quy định.

Phạm Văn Út (cựu thủ quỹ, thủ kho vật chứng của Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang) biết việc làm của các bị cáo là trái pháp luật nhưng vẫn đem tiền gửi ngân hàng dưới dạng gửi tiết kiệm đứng tên cá nhân để lấy lãi. 

Chữa bệnh gần 10 năm

Với hành vi sai phạm trên, năm 2011, ông Phong, Nên và Út bị VKSND Tối cao khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Quá trình xét xử sơ thẩm, ông Nên bị tâm thần nên ngày 4/4/2013, TAND tỉnh Tiền Giang có quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với người đàn ông này.

Tháng 6/2013, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt ông Phong mức án 3 năm tù và ông Út 1 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Sau phán quyết trên, 2 cựu cán bộ công an trên kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không được TAND Tối cao tại TPHCM (nay là TAND Cấp cao tại TPHCM) chấp nhận.

Sau gần 10 năm điều trị bệnh, ngày 12/7/2022, cơ quan tố tụng quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với ông Nên.

Tháng 8/2023, TAND tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nên mức án 15 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Sau phán quyết trên, ông Nên kháng cáo xin được hưởng án treo và áp dụng thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Cuối năm 2023, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử ông Nên theo thủ tục phúc thẩm. Tại tòa, bị cáo Nên giữ nguyên kháng cáo.

Người đàn ông này nêu ra các tình tiết giảm nhẹ như đã thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt, quá trình công tác có nhiều đóng góp, gia đình có công với cách mạng.

Ngoài ra, bị cáo Nên khai vẫn đang trị bệnh, mẹ già. Tại thời điểm phạm tội, ông chỉ là cấp phó chịu sự tác động nhất định của trưởng phòng. Cựu cán bộ công an nói số tiền thu lợi bất chính chủ yếu dùng cho việc công. Số tiền ông ta chiếm hưởng không lớn (hơn 34 triệu và 1 chiếc xe máy), đã khắc phục toàn bộ.

Sau khi nghị án, HĐXX cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nên 15 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là đúng người, đúng tội.

Ông Nên bị xét xử theo Khoản 2, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999 (khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù) nhưng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tòa sơ thẩm đã áp dụng Khoản 1, Điều 54, Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử phạt người này mức án thấp nhất của khung liền kề (từ 1 đến 3 năm tù). Vì vậy, HĐXX cấp phúc thẩm xác định không có căn cứ xem xét kháng cáo xin hưởng án treo của ông Nên.

Theo HĐXX,  hành vi của bị cáo Nên không những gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước mà còn trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước nói chung, làm suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân...

"Theo Khoản 3, Điều 43, Điều 44, Bộ luật Hình sự năm 1999 và Khoản 3, Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015, cũng như các văn bản hướng dẫn, giải đáp của TAND Tối cao, trường hợp thời gian bắt buộc chữa bệnh của bị cáo không được cấn trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù nên yêu cầu này không có căn cứ chấp nhận", bản án phúc thẩm nêu.

Từ những phân tích trên, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định bác toàn bộ kháng cáo của bị cáo Nên, tuyên y án 15 tháng tù.