Cựu Tổng Giám đốc VEC nhận trách nhiệm, nộp khắc phục hơn 600 triệu đồng
(Dân trí) - Tại tòa, bị cáo Trần Văn Tám, cựu Tổng Giám đốc VEC, cho biết gia đình đã nộp hơn 600 triệu đồng để khắc phục hậu quả của vụ án do bị cáo nhận thức rõ được vi phạm.
Cựu Tổng Giám đốc VEC nhận trách nhiệm
Chiều 16/10, sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiến hành xét hỏi dàn cựu lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng, gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74km) dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Là người đầu tiên trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Văn Tám, cựu Tổng Giám đốc VEC cho biết, Bộ Giao thông vận tải là đơn vị chủ quản, quản lý VEC.
Ông Tám khai, đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư, theo quy định chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng công trình mình thi công trước Bộ Giao thông vận tải.
Để thực hiện dự án, bộ máy của VEC sẽ cử một Tổng giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc điều hành. Về cơ cấu tổ chức của VEC có hội đồng thành viên, ban tổng giám đốc và các ban dự án.
Chế độ hoạt động của ban tổng giám đốc theo chế độ thủ trưởng, tổng giám đốc có nhiệm vụ phân công cho phó tổng giám đốc trực tiếp thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Ngoài ra, tổng giám đốc cũng sẽ chịu trách nhiệm chung cho các hoạt động của công ty…
Theo ông Tám, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, trong đó giai đoạn một có 7 gói thầu xây lắp chính; giai đoạn hai có 5 gói thầu xây lắp chính và 2 gói phụ trợ.
Ông Tám được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VEC từ tháng 6/2017 đến tháng 8/2020. Thời điểm ông nhận chức vụ, giai đoạn hai của dự án mới bắt đầu nghiệm thu.
Bị cáo thừa nhận, sau khi đưa công trình vào khai thác đã có một số hư hỏng trên mặt đường.
Theo đánh giá cá nhân của ông Tám, việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa đưa vào khai thác đã hư hỏng do một số loại nguyên vật liệu không được đảm bảo chất lượng.
Bị cáo khai, trong quá trình thi công, VEC nhận được một số cảnh báo từ Bộ Giao thông vận tải và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình cũng như vật liệu xây dựng công trình không đảm bảo và yêu cầu khắc phục.
Tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, có hai Phó tổng giám đốc của VEC phụ trách là Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Quang Hào.
Với công trình trọng điểm như dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Tám khẳng định VEC buộc phải thuê đơn vị tư vấn giám sát.
Chức năng của nhóm tư vấn giám sát sẽ quản lý hợp đồng của chủ đầu tư, kiểm tra, kiểm soát vật liệu, kiểm tra chất lượng đo đạc tại hiện trường như bề dày mặt đường, thực hiện kiểm tra toàn bộ các công việc thực hiện ngoài công trình.
Ông Tám khai, theo quy định của pháp luật, đơn vị tư vấn giám sát sẽ chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình, còn nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ trước và sau khi nghiệm thu.
Đối với khoản thiệt hại hơn 460 tỷ đồng mà cáo trạng cáo buộc, bị cáo Tám tự nhận mình có trách nhiệm liên đới và không thắc mắc gì về các tội danh bị cáo buộc.
Cựu Tổng Giám đốc VEC gây thiệt hại 45 tỷ đồng
Trước bục khai báo, ông Tám cho biết, gia đình đã nộp hơn 600 triệu đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Mục đích việc nộp tiền vì bị cáo nhận thức rõ được vi phạm của mình.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thể hiện, dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư với tổng chiều dài gần 140km.
Trong đó, giai đoạn 1 dài 65 km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), thông xe tháng 8/2017; giai đoạn 2 dài hơn 74 km, từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) thông xe tháng 9/2018.
Song khi vừa đưa vào sử dụng, đường cao tốc trên đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.
Các vi phạm tại giai đoạn 1 của dự án, dài 65km, đã được xử lý với 35 người Việt và 1 người Nhật Bản chịu chế tài hình sự.
Vụ án xảy ra tại giai đoạn 2 của dự án, dài 74km, trong số 22 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố và đưa ra xét xử lần này, có 20 bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng và 2 bị cáo bị xem xét về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, hành vi của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa vào vận hành và sau đó hư hỏng, vì vậy đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Trần Văn Tám bị xác định đã gây thiệt hại hơn 45 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng gây thiệt hại hơn 300 tỷ đồng; bị cáo Lê Quang Hào gây thiệt hại hơn 114 tỷ đồng,...