1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế: "Mức án nghiệt ngã cuộc đời"

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Tại tòa, Phạm Trung Kiên cho biết trong ngày hôm nay hoặc ngày mai, gia đình sẽ nộp nốt số tiền hậu quả vụ án như cáo trạng đã nêu.

Chiều 21/7, tại phiên tòa xử đại án "chuyến bay giải cứu", sau khi VKS đưa ra lập luận đối chất lại lời bào chữa của các bị cáo và luật sư, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã có những ý kiến đối đáp.

Theo bị cáo Phạm Trung Kiên, thời điểm dịch Covid-19, các lãnh đạo Bộ có một nhóm trao đổi công việc qua ứng dụng Viber. Khi đó, nếu Bộ Y tế đã đồng ý, phê duyệt hồ sơ xin cấp phép tổ chức chuyến bay, mà bị cáo không ban hành văn bản thì sẽ bị kỷ luật ngay lập tức.

"Vì lý do đó, bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo về việc gây chậm trễ cho doanh nghiệp để lo chi phí. Bị cáo ăn năn hối cải", Kiên nói và cho biết, theo kế hoạch, trong ngày hôm nay hoặc ngày mai, gia đình bị cáo sẽ nộp hết toàn bộ số tiền phải khắc phục vụ án như cáo trạng nêu.

Trình bày về tình tiết giảm nhẹ, cựu thư ký Thứ trưởng cho hay, thời điểm dịch Covid-19, bị cáo đã đi hết các điểm dịch, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; gia đình bị cáo có nhiều người thân đi chiến trường miền Nam chống Mỹ, Pháp.

Kiên nói mình có những tình tiết như trên nhưng không được VKS xem xét giảm nhẹ hình phạt. "Bị cáo bị đề xuất mức án nghiệt ngã cuộc đời", Kiên khai.

Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế: Mức án nghiệt ngã cuộc đời - 1

Bị cáo Phạm Trung Kiên (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cựu thư ký Thứ trưởng xin HĐXX xem xét được giảm nhẹ hình phạt để làm lại cuộc đời. "Bị cáo nhận tội trước nhân dân, Đảng, Nhà nước và ăn năn hối lỗi trước hành vi phạm tội của mình", Kiên nói.

Theo cáo trạng, trong vụ án này, Kiên nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền là hơn 42 tỷ đồng. 

Quá trình điều tra vụ án, Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng, ngoài ra, gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Đến chiều 18/7, sau khi VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt tử hình đối với Kiên, người nhà bị cáo đã đi nộp thêm 8 tỷ đồng để khắc phục. Như vậy, tổng số tiền Kiên và gia đình đã nộp là 35 tỷ đồng.

Trước đó, buổi sáng, tại phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên trong thời điểm dịch Covid-19 đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo, làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín cơ quan nhà nước. 

VKS cho rằng, trước khi Kiên khai nhận tiền của Phạm Hồng Quang và Phạm Thị Thanh Nhã, cơ quan điều tra đã tiến hành sao kê toàn bộ tài khoản của những người này và biết được dòng tiền chuyển vào tài khoản của Kiên chứ không phải chờ Kiên khai ra, do vậy không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ (tự thú) đối với Kiên.

Trong suốt quá trình điều tra, Kiên không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, giải quyết vụ án. Kiên một mực cho rằng số tiền nhận của doanh nghiệp là vay mượn cá nhân. 

Sau này, khi Viện kiểm sát vào làm việc, động viên Kiên mới khai nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã nêu, do vậy không có căn cứ để áp dụng tình tiết giảm nhẹ là tích cực phối hợp với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.