1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nhật ký chuyến bay giải cứu: Cảnh "tiến thoái lưỡng nan" của doanh nghiệp

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo cơ quan công tố, trước yêu sách, nhũng nhiễu và gây khó khăn của một số đối tượng trong cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép "chuyến bay giải cứu".

Ngày 20/8, phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" bước sang ngày thứ 8. HĐXX dành phần lớn thời gian cho các bị cáo thuộc nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay và luật sư của họ, đưa ra lời bào chữa.

Muốn được cấp phép phải đi "cửa sau"

Giám đốc Công ty Minh Ngọc - bị cáo Nguyễn Thị Hồng - cho biết ở giai đoạn đầu, công ty của bà 4 lần nộp hồ sơ xin thực hiện các chuyến bay đưa công dân hồi hương.

Đến giai đoạn Chính phủ giao Tổ công tác 5 Bộ xem xét, đánh giá, quyết định công tác liên quan đến "chuyến bay giải cứu", bị cáo Hồng thêm 3 lần gửi hồ sơ. Kết quả, cả 7 hồ sơ bị trả về, không có lý do, cũng không được hỗ trợ, hướng dẫn phải bổ sung thêm gì.

Nhật ký chuyến bay giải cứu: Cảnh tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp - 1

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 20/7 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Nữ bị cáo kể lại khi đó, doanh nghiệp của bà đã đặt cọc tiền vé máy bay, tiền thuê khách sạn cách ly... theo như thủ tục quy định trước khi nộp hồ sơ. "Tình thế tiến thoái lưỡng nan", Hồng miêu tả về bối cảnh khi các hồ sơ xin cấp phép bị từ chối.

Lúc này, bà Hồng tự nhận thấy muốn được cấp phép phải đi "cửa sau", nên đã liên hệ với Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế) để nhờ hỗ trợ. "Cánh cửa" này trị giá 3,3 tỷ đồng.

Tiếp đến, nữ bị cáo nhờ Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty Vitrato) tìm thêm "cửa" giúp giải quyết việc cấp phép tổ chức bay. Chi phí cho "cánh cửa" này là 7,4 tỷ đồng.

Tuấn sau khi nhận số tiền trên của Hồng đã đưa cho 2 cựu lãnh đạo Cục Lãnh sự 45.000 USD, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế hơn 2,4 tỷ đồng...

Giận Cục Lãnh sự!

Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Masterlife) không giữ được bình tĩnh, thể hiện sự "ấm ức".

Tháng 6/2021, Mai Xa lần đầu gửi hồ sơ xin cấp phép tổ chức bay. Giống như Hồng, hồ sơ của Mai Xa bị từ chối. Trong Tổ công tác 4 Bộ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) không chấp thuận để Công ty Masterlife thực hiện chuyến bay.

"Khi đó bị cáo rất lo lắng, bị cáo rất run, như chim sợ cành cong", bị cáo Mai Xa nói.

Nhật ký chuyến bay giải cứu: Cảnh tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp - 2

Bị cáo Trần Thị Mai Xa (Ảnh: H.N.).

Sau khi liên hệ với Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh), Mai Xa biết được nguyên nhân hồ sơ bị từ chối là "sếp không biết doanh nghiệp em là ai". Sau đó, nữ bị cáo cho biết được chính Cường gợi ý phương án giải quyết là "cám ơn đi".

"Bị cáo rất ấm ức. Bị cáo cảm thấy việc mình đang làm là tốt, theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước. Đáng lẽ, sự đồng thuận đó là trách nhiệm của các bộ ban ngành, Cục Lãnh sự phải đi giải quyết. Bị cáo rất giận, giận Cục Lãnh sự là cơ quan chủ trì, sao để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó, dẫn đến một loạt các sai phạm", Mai Xa mất bình tĩnh, nói trước tòa.

Theo bị cáo, việc đưa hối lộ được thực hiện trong "vô thức". Bị cáo không có ý thức về việc đưa tiền nhưng ngay lần đầu tiên xin cấp phép đã bị ép đưa. "Lần đầu tiên đã bị ép phải đưa rồi, lần sau cứ phải đưa thôi. Bị cáo cảm nhận được điều đó", bị cáo giãi bày.

Theo cáo trạng, từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, Mai Xa đưa hối lộ cho 8 cá nhân có thẩm quyền, tổng số 19 lần với số tiền hơn 8 tỷ đồng.

"Quyết tâm xin bằng được chuyến bay"

Là một trong 23 bị cáo bị xét xử tội Đưa hối lộ, Nguyễn Tiến Mạnh (Phó giám đốc Công ty Lữ Hành Việt) nói "rất thất vọng" khi hồ sơ xin cấp phép tổ chức chuyến bay không được duyệt.

Theo bị cáo, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, bị cáo nắm trong tay danh sách gần 1.000 công dân ở nước ngoài đăng ký về nước. Sau đó, Mạnh đã lựa chọn, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn, chuẩn bị hồ sơ để xin tổ chức chuyến bay. Nhưng tất cả đứng trước nguy cơ đổ bể vì hồ sơ bị từ chối.

Tuy nhiên, Phó giám đốc Công ty Lữ Hành Việt không từ bỏ, "quyết tâm cố gắng xin bằng được chuyến bay". Trước HĐXX, Mạnh nói bản thân chỉ mong muốn có việc làm, có được chuyến bay để đưa công dân hồi hương.

Nhật ký chuyến bay giải cứu: Cảnh tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp - 3

Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (Ảnh: Hải Phương).

Sau đó, Mạnh tìm đến Hoàng Anh Kiếm, bàn bạc việc tìm mối giúp xử lý vấn đề trên và thỏa thuận chia lợi nhuận.

Cáo trạng xác định bị cáo Mạnh đưa hối lộ 27,8 tỷ đồng, bị VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù; Dương đưa hối lộ 24 tỷ đồng, bị đề nghị mức án 2-3 năm tù.

"Khó khăn, đòi hỏi, yêu sách, nhũng nhiễu"

Đánh giá về nhóm bị cáo Đưa hối lộ trong bản luận tội, VKS nhận định họ một phần từ mục đích tìm kiếm lợi nhuận và tạo công ăn việc làm cho người lao động trong hoàn cảnh khó khăn dịch bệnh, phần còn lại cũng vì ý thức của các doanh nghiệp trong việc đồng hành với Nhà nước thực hiện các chuyến bay đưa càng nhiều công dân về nước càng tốt.

Nhật ký chuyến bay giải cứu: Cảnh tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp - 4

Đại diện VKS tại phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Tuy nhiên, trước sự gây khó khăn, đòi hỏi, yêu sách, nhũng nhiễu, tạo ra cơ chế xin - cho của một số đối tượng trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, họ đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay.

Do đó, cơ quan giữ quyền công tố đề nghị HĐXX cân nhắc, đánh giá đúng nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh để có hình phạt phù hợp đối với người đưa hối lộ.