Cựu hiệu trưởng bị tố nhận tiền tuyển sinh trái tuyến: Chế tài xử lý?
(Dân trí) - Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ làm rõ có hay không việc bà Bính nhận tiền? Nếu có, số tiền nhận là bao nhiêu? Nhận bao nhiêu lần? Nhận của ai?...
Vừa qua, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã có công văn tới Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, đề nghị xác minh, kiểm tra đơn tố cáo bà Lê Thị Bính (nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Thượng) có hành vi "Vi phạm đạo đức nhà giáo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành giáo dục và hình ảnh của địa phương, xói mòn niềm tin của người dân đối với viên chức ngành giáo dục".
Bên cạnh đó, chính quyền quận Tây Hồ cũng giao Công an quận Tây Hồ điều tra, làm rõ tố cáo bà Bính có hành vi nhận tiền từ các phụ huynh để tuyển sinh trái tuyến.
Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính) phân tích, các ngành và lĩnh vực ngoài quy định pháp luật, người hành nghề còn chịu sự điều chỉnh bởi bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Đối với nhà giáo, quy định về đạo đức được điều chỉnh tại "Quy định về đạo đức nhà giáo", ban hành kèm theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối chiếu theo quyết định trên, những vi phạm đạo đức nhà giáo bao gồm: Phẩm chất chính trị; Đạo đức nghề nghiệp; Lối sống tác phong; Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo.
Người vi phạm tùy tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng, kỷ luật về mặt hành chính đối với viên chức giáo dục, theo quy định tại Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Đối với viên chức là quản lý, các hình thức kỷ luật là "Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc".
"Trong vụ việc của cô Bính, cơ quan chức năng sẽ xem xét có việc vi phạm đạo đức hay không? Nếu vi phạm đạo đức thì hành vi vi phạm là hành vi nào? Những hành vi này xảy ra từ thời điểm nào? Có thiệt hại hay không? Để từ đó có căn cứ xử lý vi phạm của vị nguyên hiệu trưởng theo quy định pháp luật và quy định của ngành giáo dục", luật sư Đồng nhận định.
Trong khi đó, đối với tố cáo bà Bính nhận tiền để tuyển sinh trái tuyến, luật sư cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ có hay không hành vi trên? Nếu có, số tiền nhận là bao nhiêu? Nhận bao nhiêu lần? Nhận của ai? Thỏa thuận nhận tiền để làm công việc gì? Các hành vi này thể hiện qua các tài liệu, chứng cứ nào?, để từ đó xác định động cơ, mục đích của vị nguyên hiệu trưởng.
Dưới góc pháp lý, luật sư Đồng phân tích, hành vi "nhận tiền để tuyển sinh trái tuyến" có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Giải thích về tội Nhận hối lộ, ông Đồng cho biết, đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất khác) dưới bất kỳ hình thức nào cho chính bản thân người đó; cho người khác hoặc cho tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Cũng theo luật sư Đồng, trường hợp nếu xử lý vụ nguyên hiệu trưởng về tội Nhận hối lộ, rất có thể cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét đến hành vi Đưa hối lộ của những người liên quan, theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.