Cựu cán bộ chống buôn lậu "bảo kê" buôn lậu lĩnh 15 năm tù
(Dân trí) - Theo cáo buộc, Ngô Văn Thụy - cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu - đã nhận hối lộ 500 triệu đồng, 10.000 USD và một thẻ ATM với số dư 100 triệu đồng trong tài khoản.
Sau 2 tuần làm việc, ngày 17/4, TAND TPHCM đã tuyên án phúc thẩm vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) 13 năm 6 tháng tù, Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) 15 năm tù về tội Buôn lậu.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Ngô Văn Thụy (58 tuổi, cựu cán bộ Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) bị bác kháng cáo, tuyên y án 15 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa, HĐXX xác định, từ tháng 5/2019, Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty Phan Lê Hoàng Anh) cùng nhóm của Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) thỏa thuận góp vốn để nhập lậu xăng dầu từ Singapore.
Viễn sử dụng hai tàu biển là Pacific Ocean và Western Sea vào cảng của Singapore lấy xăng rồi chở về vùng biển Việt Nam. Sau đó, Hữu điều ba tàu thủy của mình là Nhật Minh 07, 08, 09 ra nhận hàng rồi chở vào nội địa để bán.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu cùng đồng phạm đã vận chuyển hơn 198 triệu lít xăng, tổng giá trị gần 2.600 tỷ đồng. Hữu hưởng lợi hơn 156 tỷ đồng.
Ngoài hợp tác với Hữu, Viễn còn góp vốn với một số người khác đưa xăng lậu về tỉnh Khánh Hòa tiêu thụ. Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4/2021, nhóm của Viễn đã buôn lậu trên 5,7 triệu lít xăng.
Tính cả hai giai đoạn, Viễn cùng các đồng phạm đã buôn lậu gần 204 triệu lít xăng với tổng giá trị hơn 2.690 tỷ đồng. Riêng Viễn thu lợi bất chính trên 46,7 tỷ đồng.
Quá trình nhập lậu xăng dầu, Phan Thanh Hữu nhận được thông tin có lực lượng của Cục điều tra chống buôn lậu, đang triển khai kiểm tra các tàu hàng. Từ đây, Hữu tìm cách tiếp cận, gặp gỡ ông Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội 3 - Cục điều tra chống buôn lậu) để nhờ giúp đỡ.
Hồ sơ thể hiện, bị cáo Thụy đã nhận hối lộ 500 triệu đồng, 10.000 USD và 1 thẻ ATM với số dư 100 triệu đồng trong tài khoản.
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng hành vi của Viễn, Hữu và các đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội, phạm tội có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các bị cáo phạm tội trong thời gian dài, số lượng hàng buôn lậu và hưởng lợi bất chính đặc biệt lớn.
HĐXX nhận định bị cáo Viễn có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, gia đình có công với cách mạng, đã nộp thêm một phần thu lợi bất chính, đây là các tình tiết mới nên HĐXX có căn cứ xem xét.
Đối với bị cáo Hữu, bị cáo đã nộp gần hết số tiền thu lợi bất chính, số tiền còn lại thì bị cáo đồng ý xử lý các tài sản là quyền sử dụng đất để nộp lại. Ngoài ra, gia đình bị cáo có công với cách mạng. Trong vụ án này, con bị cáo Hữu là Phan Lê Hoàng Anh cùng chịu trách nhiệm hình sự chung nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hữu.
Đối với kháng cáo của bị cáo Thụy, HĐXX cho rằng mức án 15 năm tù cấp sơ thẩm tuyên phạt là tương xứng nên không có căn cứ xem xét.
Về kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TPHCM tăng hình phạt cho 10 bị cáo là thuyền trưởng, thuyền phó, thuyền viên, HĐXX cho rằng những người này không được hưởng lợi, chỉ làm công ăn lương, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Cấp sơ thẩm đã tuyên phạt 10 bị cáo trên các mức án 2-3 năm tù là đã phù hợp nên không chấp nhận kháng nghị.
Từ nhận định trên, HĐXX tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm. Đào Ngọc Viễn bị tuyên phạt 15 năm tù (giảm 2 năm); Phan Thanh Hữu lãnh 13 năm 6 tháng tù (giảm 2 năm 6 tháng tù) cùng về tội Buôn lậu.
Ngoài ra, 21/23 bị cáo khác có kháng cáo cũng được cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt.