Rút kháng nghị tăng hình phạt 15 bị cáo trong đại án buôn lậu xăng
(Dân trí) - Sau bản án sơ thẩm, Viện kiểm sát kháng nghị đối với 28 bị cáo theo hướng tăng nặng hình phạt. Trước phiên tòa phúc thẩm, cơ quan công tố rút kháng nghị đối với 15 bị cáo.
Ngày 5/4, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng do có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKSND.
Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX thông báo trước khi phiên tòa diễn ra, VKSND Cấp cao tại TPHCM đã gửi văn bản cho tòa về việc rút kháng nghị đối với 15 bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, cho biết sau phiên tòa sơ thẩm, trên cơ sở án sơ thẩm, Viện kiểm sát kháng nghị đối với 28 bị cáo theo hướng tăng nặng hình phạt hoặc không áp dụng hình phạt tiền.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ kháng nghị, các tài liệu chứng cứ, tình tiết vụ án, nhận thấy các bị cáo đã có hình phạt tương xứng, một số bị cáo trong quá trình kháng nghị có phát sinh một số tình tiết giảm nhẹ nên VKSND rút kháng nghị với các bị cáo này.
Ngoài ra, HĐXX còn cho biết 2 bị cáo có đơn xin rút kháng cáo. Như vậy, đến nay còn 13 bị cáo bị Viện kiểm sát kháng nghị và 25 bị cáo kháng cáo. HĐXX quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm với các bị cáo này, tuy nhiên, trong quá trình xét xử nếu cần thiết làm rõ nội dung vụ án, các bị cáo sẽ bị triệu tập.
Trước đó, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) 16 năm tù, Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) 17 năm tù về tội Buôn lậu.
Liên quan vụ án, bị cáo Ngô Văn Thụy (58 tuổi, cựu cán bộ Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) bị phạt 15 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Ngoài ra, HĐXX tuyên phạt 6 bị cáo mức hình phạt bằng thời gian tạm giam, 3 bị cáo được hưởng án treo, 10 bị cáo phạt tiền (thay phạt tù) từ 200 triệu đồng đến 5 tỷ đồng và nhiều bị cáo bị phạt mức án 1-2 năm tù.
Sau phán quyết trên, có 29/74 bị cáo bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Có 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị xem xét lại về phần dân sự. Bên cạnh đó, VKSND Cấp cao tại TPHCM kháng nghị tăng hình phạt 28 bị cáo.
Theo hồ sơ vụ án, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an tỉnh Đồng Nai xác định trên địa bàn nổi lên tình trạng pha chế xăng dỏm, buôn bán xăng nhập lậu.
Sau khi thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 6/2/2021, Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang Phạm Đức (49 tuổi, ngụ Đồng Nai) đang điều khiển xe bồn vận chuyển xăng không rõ nguồn gốc, chứng từ. Từ lời khai của Đức, lực lượng chức năng khám xét hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Bộ Công an và công an địa phương, đồng loạt khám xét nhiều địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và bắt giữ nhiều người trong đường dây tội phạm tại tỉnh Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM…
Quá trình điều tra xác định đường dây buôn lậu do Phan Thanh Hữu cầm đầu, tổ chức. Theo tài liệu điều tra, từ tháng 3/2020 đến 2/2021, Hữu cùng đồng phạm đã buôn lậu gần 200 triệu lít xăng RON 95III, trong đó có 2,5 triệu lít xăng chưa kịp tiêu thụ. Tổng giá trị hàng hóa nhập lậu là 2.795 tỷ đồng và thu lợi bất chính 105 tỷ đồng.
Công an tỉnh Đồng Nai đã trưng cầu giám định mẫu xăng thu được trong quá trình khám xét. Kết quả cho thấy loại xăng này có chứa MTBE (Methyl Tert-Butyl Ether) vượt ngưỡng quy định, có khả năng làm giảm tuổi thọ động cơ và gây ô nhiễm môi trường. Các mẫu xăng giám định đều làm giả xăng A95.
Quá trình nhập lậu xăng dầu, Phan Thanh Hữu nhận được thông tin có lực lượng của Cục điều tra chống buôn lậu, đang triển khai kiểm tra các tàu hàng. Từ đây, Hữu tìm cách tiếp cận, gặp gỡ ông Ngô Văn Thụy (đội trưởng đội 3 - Cục điều tra chống buôn lậu) để nhờ giúp đỡ.
Hồ sơ thể hiện, bị cáo Thụy đã nhận hối lộ 500 triệu đồng, 10.000 USD và 1 thẻ ATM với số dư 100 triệu đồng trong tài khoản.