1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cuộc trở về ngoạn mục của người phụ nữ mang án mua bán người

(Dân trí) - Cái chết của người chồng và thua lỗ trong làm ăn khiến chị Pay Thị Huyền mất phương hướng. Túng quẫn và thiếu hiểu biết pháp luật, chị Huyền sa chân vào đường dây mua bán người và phải ngồi tù. Cởi tấm áo tù nhân, người phụ nữ này đã mạnh mẽ đứng dậy, làm giàu ngay trên ở bản làng của mình.

“Đây là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả nhất của hội viên Hội LHPN xã. Điều đáng quý là người chủ trang trại này đã vượt qua được mặc cảm bản thân và dị nghị của người đời để dũng cảm đứng dậy, làm lại cuộc đời”, chị Lô Thị Hoa – Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Na (Tương Dương, Nghệ An) nói khi dẫn chúng tôi tới thăm trang trại của chị Pay Thị Huyền (SN 1976, trú bản Bón, xã Yên Na).

Sa chân vào vũng lầy

Chị Huyền kể về những biến cố của mình
Chị Huyền kể về những biến cố của mình

Tiếp chúng tôi trong căn chòi dựng giữa trang trại gà, chị Huyền chậm rãi kể về những biến cố của cuộc đời mình. Chị lấy chồng, chồng chị là người miền Bắc, vào đây làm thợ mộc. Hai đứa con trai lần lượt ra đời. Cứ ngỡ cuộc sống của cô sơn nữ này sẽ êm đềm trôi qua như thế cho đến một ngày…

“Năm 1992, anh phát hiện bị suy thận, đã nặng lắm rồi. Thận mất khả năng hoạt động, phải lọc máu hàng tuần, kéo theo bao nhiêu biến chứng khác nữa. Chồng đau, con nhỏ dại, chị phải đưa chồng về quê nương nhờ bên nội, tháng tháng lên Hà Nội chạy chữa mong kéo dài sự sống cho anh nhưng rồi cũng không thắng được số mệnh…”, chị kể.

Sau 12 năm chống chọi với bệnh tật, chồng chị qua đời, để lại người vợ trẻ chống chọi với cuộc sống thiếu thốn và hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Để chồng yên nghỉ tại quê nội theo nguyện vọng của anh, chị đưa con về quê, bắt đầu gây dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng.

Chị Huyền hiện là chủ trang trại chăn nuôi gà có quy mô vào loại lớn nhất xã Yên Na (Tương Dương, Nghệ An)
Chị Huyền hiện là chủ trang trại chăn nuôi gà có quy mô vào loại lớn nhất xã Yên Na (Tương Dương, Nghệ An)

Năm 2008, chị nhận 50 con gà từ dự án tài trợ của Lucxembua để phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi. Quy mô trạng trại được mở rộng dần. Năm 2012, chị Huyền đã có trong tay 2.000 con gà đẻ. Hàng trăm triệu đồng chưa kịp thu về thì đợt dịch cúm H5N1 tràn qua. Chỉ trong phút chốc, người phụ nữ góa bụa này trắng tay, gánh một khoản nợ lớn từ ngân hàng.

Cú sốc lớn khiến chị không thể gượng dậy. Lúc này, theo lời dụ dỗ của người quen, chị giới thiệu một số phụ nữ sang Trung Quốc làm thuê mà không biết rằng đây là một đường dây mua bán phụ nữ. Đường dây mua bán người này bị phát giác, chị Huyền bị bắt với vai trò là đồng phạm giúp sức, bị tuyên phạt 30 tháng tù. Ngày xử án, nhìn hai đứa con trai ngơ ngác tại tòa, chị khóc hết nước mắt…

Làm lại cuộc đời

“Thời gian đầu bị bắt giam, bị tuyên phạt tù, tôi hoang mang, sợ hãi đến tột độ. Vừa thương, vừa lo hai đứa con trai ở nhà, đã không còn bố, giờ lại vắng mẹ, không ai quản lý, bảo ban, sợ sẽ theo chúng bạn hư hỏng… Tôi trả án ở Trại giam số 6, cán bộ quản giáo, Ban giám thị biết hoàn cảnh của tôi nên cũng quan tâm, động viên nhiều.

Tôi được bố trí vào đội chăn nuôi, làm việc tại trang trại chăn nuôi lợn ở Nam Đàn. Tôi vừa lao động cải tạo, vừa tranh thủ học hỏi thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi, phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi. Nhờ cải tạo tốt, tôi được giảm án 2 lần, ra tù vào tháng 9/2015, trước thời hạn 6 tháng”, chị Huyền kể.

Chị Huyền giới thiệu với Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Na về mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của mình
Chị Huyền giới thiệu với Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Na về mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của mình

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ nhưng khi trở về, chị Huyền không tránh khỏi mặc cảm. Chị dấu mình trong nhà, không dám tiếp xúc với ai. Nhưng rồi, chính chị tự động viên mình thoát ra khỏi chiếc kén tự tạo ra để làm lại cuộc đời, dù biết rằng chặng đường phía trước cực kỳ khó khăn.

Với kiến thức chăn nuôi học được từ những tháng ngày trả án, chị quyết định vực dậy bằng hướng đi cũ. Được Hội LHPN xã động viên, đứng ra bảo lãnh vay vốn, chị Huyền bắt đầu gây dựng lại đàn gà. Lứa đầu tiên thắng lớn với 800 con gà thịt, trừ các khoản chi phí và nợ ngân hàng, chị lãi 30 triệu đồng.

Thừa thắng xông lên, với sự hỗ trợ của vợ chồng người con trai cả và cậu con trai thứ, chị Huyền mở rộng quy mô trang trại lên gần 1.500 con gà thịt và gà đẻ. Ngoài giống gà thịt chủ yếu phục vụ Tết nguyên đán và gà đẻ, chị Huyền mua thêm 2 con bò, 28 con lợn thịt, trồng 1 ha cây keo. Vụ Tết năm 2016, bà chủ trang trại lãi ròng 120 triệu đồng.

Vượt qua những mặc cảm bản thân và dị nghị của người đời chị Huyền đã mạnh mẽ đứng dậy làm lại cuộc đời ngay trên bản làng của mình
Vượt qua những mặc cảm bản thân và dị nghị của người đời chị Huyền đã mạnh mẽ đứng dậy làm lại cuộc đời ngay trên bản làng của mình

“Chăn nuôi trong thời điểm khó khăn, dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao cũng khá rủi ro. Nhiều lúc cũng như đánh bạc với trời, mình phải chú trọng khâu phòng dịch, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ để giảm chi phí. Làm ăn giờ phải tính toán kỹ lưỡng, mà cũng chỉ có làm ăn lương thiện mới bền được", chị Huyền tâm sự.

Cách trung tâm huyện hơn 40 cây số, sóng điện thoại cũng đang phập phù nhưng người phụ nữ dân tộc Thái này đã biết tiếp thu công nghệ, quảng bá sản phẩm trên Facebook cá nhân. Nhờ vậy, khách hàng vào tận nơi để mua, không còn phải lo đầu ra như trước, lại giảm được một khoản chi phí vận chuyển. Vụ Tết này trang trại chị Huyền xuất bán 1.400 con gà thịt với giá gà trung bình 90 nghìn đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí lãi ròng khoảng 180 triệu đồng.

Hoàng Lam