Công an Hà Nội bóc trần thủ đoạn dụ dỗ, lừa đảo trên "sàn forex"
(Dân trí) - Theo Công an Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho tổ chức, cá nhân nào kinh doanh sàn giao dịch vàng, ngoại hối. Người tham gia "chơi forex" được xem là tiếp tay cho hoạt động phi pháp.
Thủ đoạn tinh vi
Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội), thị trường Việt Nam hiện có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư, tự gọi là "chơi forex".
Phương thức hoạt động của các sàn forex là cho các nhân viên môi giới mời chào, lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội zalo, facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".
Ban đầu, các đối tượng cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản; sau đó, tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu sang một sàn forex mới, cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.
Các dự án, mô hình hệ thống này đều được giới thiệu có nguồn gốc từ nước ngoài, là các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện các giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao bất thường, từ 15-30%/tháng.
Các sàn forex được các đối tượng quản trị thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng. Admin (quản trị viên) có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản; can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, "đánh cháy" tài khoản của khách hàng. Đồng thời, các sàn forex này không có tính năng kết nối với các sàn forex trên thế giới.
Đáng chú ý, nhà đầu tư trên sàn giao dịch forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỷ đồng).
Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền...
"Chơi forex" vừa rủi ro, vừa vi phạm pháp luật
Những người tham gia giao dịch thường được gọi là traders. Theo Công an Hà Nội, đối chiếu quy định hiện hành, traders vừa vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối, vừa không được pháp luật bảo vệ nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra.
Hiện nay, Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức khác đều là vi phạm pháp luật.
Nhằm lách luật, nhiều công ty núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo. Bởi vậy, người tham gia "chơi forex" được xem là tiếp tay cho hoạt động phi pháp.
Bản chất của việc giao dịch ngoại hối là sự tương tác giữa người đầu tư và chủ sàn diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tài chính cho người tham gia. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia các sàn forex trái phép.
Bên cạnh đó, Công an Hà Nội cũng khuyến cáo người dân, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân khi thực hiện đầu tư bằng hình thức tiền ảo.
Công an Hà Nội khuyến cáo người dân, tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch tiền ảo, forex do nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tự lập để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Công an Hà Nội vừa phối hợp với Công an TPHCM triệt phá 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép, bắt giữ 26 đối tượng. Cơ quan điều tra bước đầu đã khởi tố bị can 3 đối tượng cầm đầu là Phạm Thị Thái (SN 1985, ở Hà Nội), Vũ Đình Hùng (SN 1983) và Phạm Mạnh Hùng (SN 1985, cùng ở TPHCM) về hành vi "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Các đối tượng tổ chức xây dựng, quản trị và điều hành các sàn giao dịch vàng ảo, ngoại tệ trái phép Rforex.com kết nối với ứng dụng MT5 (Meta Trader 5) dưới vỏ bọc pháp nhân Công ty Rforex Ltd tại Anh để lôi kéo người chơi, can thiệp vào hệ thống xử lý lệnh giao dịch nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Trước khi bị cơ quan công an phát hiện, nhóm đối tượng này đã tạo lập được 4 sàn giao dịch forex (Rforex, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss) và nhiều website khác có giao diện giống sàn forex. Các sàn có hơn 12.000 tài khoản khách hàng ở nhiều quốc gia, tổng số tiền nhà đầu tư đã nộp là 4,3 triệu USD.