Chuyến bay giải cứu: Lời bao biện của cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ
(Dân trí) - Trước tòa, bị cáo Trần Tùng nói rằng bản thân muốn có lợi nhuận "ở mức độ phù hợp". Thực tế chỉ ra, mức "phù hợp" mà ông này hưởng là hơn 7,6 tỷ đồng.
Ngày xét xử đầu tiên (24/12) phiên tòa "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 kết thúc với những diễn biến khá nhanh; các bị cáo đều nhận tội, không kêu oan, chấp nhận cáo buộc trong cáo trạng.
Sau khi đại diện VKS công bố bản luận tội và đề nghị mức án, HĐXX dành thời gian cho các bị cáo tự bào chữa.
Vừa muốn bà con được giảm giá vừa muốn hưởng lợi "ở mức độ phù hợp"
Là bị cáo duy nhất bị truy tố 2 tội danh, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng đã kể lại quá trình "thương lượng" giá cả với đơn vị tổ chức chuyến bay, cách ly mà bị cáo vẫn tự hào là mình làm rất tốt.
Trước tòa, bị cáo nói rằng bản thân rất "sót ruột" khi chứng kiến bà con ở nước ngoài phải khổ sở, vất vả và mất rất nhiều tiền để có thể về Việt Nam. Do đó, ông Tùng kể đã phải đích thân thuyết phục các khách sạn đồng ý tiếp nhận người dân về nước, thậm chí bảo cấp dưới thuê người bên ngoài làm thay nếu khách sạn không có nhân viên.
Đối với Lê Văn Nghĩa (cựu Giám đốc Công ty Nhật Minh, đã bị xét xử trong giai đoạn 1) và Trần Minh Phụng (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch và xây dựng Gia Huy), bị cáo Tùng khai rằng đã nhiều lần mặc cả về giá, về các dịch vụ trọn gói cho việc cách ly của người dân.
"Bản thân bị cáo mặc cả với Nghĩa về một dịch vụ trọn gói trong 14 ngày cách ly với một mức giá vô cùng hợp lý. Bị cáo đã yêu cầu Nghĩa giảm giá khi bán "gói cách ly" cho bà con, và ông Nghĩa có nói với bị cáo "theo yêu cầu của chú, anh giảm giá 6 triệu đồng cho bà con"", ông Tùng phân trần.
Theo trình bày của cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên, bị cáo muốn bà con được giảm giá và bản thân cũng có lợi "ở mức độ phù hợp". Bị cáo này giải thích, khi đó không hề nhận thức được hành vi này là vi phạm pháp luật.
"Bị cáo có thể tự hào nói rằng bị cáo đã tổ chức việc cung cấp dịch vụ bà con rất tốt trong suốt thời gian cách ly. Người dân sau đó có rất nhiều lời cảm ơn qua thư, clip gửi tỉnh Thái Nguyên khi cung cấp nơi cách ly rất tốt cho họ", ông Tùng phân trần.
Hồ sơ thể hiện thế nào?
Đối chiếu với cáo trạng, lời khai tại phiên tòa, có thể hiểu bị cáo Trần Tùng mong muốn hưởng lợi "ở mức độ phù hợp" là hơn 4,4 tỷ đồng tiền hối lộ và hơn 3,2 tỷ đồng hưởng lợi từ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trái với lời bao biện "muốn bà con được giảm giá", hồ sơ đã chứng minh nếu Trần Tùng thật sự mong muốn như vậy, người dân sẽ chỉ phải trả 10-12 triệu đồng chứ không phải 18 triệu đồng/người.
Theo bản luận tội, Trần Tùng yêu cầu Nghĩa phải ký hợp đồng dịch vụ cách ly với Công ty Sen Vàng Đất Việt của Trần Thị Quyên; chỉ đạo Quyên và thỏa thuận, yêu cầu Nghĩa với giá dịch vụ trọn gói của hợp đồng là 18 triệu đồng.
Nhưng khi ký hợp đồng chỉ thể hiện số tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/một khách cách ly, số tiền chênh lệch còn lại 6-8 triệu đồng sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho Quyên, để Quyên chuyển lại cho Trần Tùng.
Đánh giá về bị cáo Trần Tùng, cơ quan tố tụng cho rằng ông này là chủ mưu, cầm đầu trong vi phạm xảy ra tại Sở Ngoại vụ Thái Nguyên, còn Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sen vàng Đất Việt) có vai trò giúp sức.
Trên cơ sở đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Tùng 7-8 năm tù về tội Nhận hối lộ, 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt chung đề nghị đối với bị cáo Trần Tùng là 12-14 năm tù.
Vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng
Trong bản luận tội, cơ quan tố tụng nhận định đây là vụ án tham nhũng, chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp diễn ra trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, được lãnh đạo các cấp ban ngành và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong hoàn cảnh người dân bị mắc kẹt trong đại dịch.
Cùng bị xét xử tội Nhận hối lộ, cựu Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường, cựu Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cùng bị đề nghị mức án 18-24 tháng tù.
VKS đề nghị phạt Nguyễn Mạnh Trường, cựu Chuyên viên Phòng vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT), bị đề nghị phạt 18-24 tháng tù treo và Lê Thị Phượng, cựu Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã (thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) mức án 24-30 tháng tù cùng về tội Nhận hối lộ.
Bị cáo duy nhất bị xét xử tội Che giấu tội phạm, cựu cán bộ công an Nguyễn Xuân Thông, bị đề nghị mức án 12-18 tháng tù treo.
Với nhóm bị cáo bị truy tố tội Đưa hối lộ, VKS đề nghị mức án từ 12 tháng tù treo đến 4 năm tù. Trong đó, cựu Phó phòng Vận tải Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) Vũ Hồng Quang bị đề nghị mức án 3-4 năm tù.
8h ngày 25/12, phiên tòa tiếp tục làm việc trong phần tranh luận, các bị cáo còn lại sẽ được tự bào chữa cho bản thân.