1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Bị bác đơn kháng cáo, bà Trương Mỹ Lan có còn cơ hội thoát án tử?

Xuân Duy

(Dân trí) - Bà Lan có thể gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành án, bà chủ Vạn Thịnh Phát nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô thì có thể được giảm án.

TAND Cấp cao vừa tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù tội Đưa hối lộ, 16 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành chung là tử hình.

Bị bác đơn kháng cáo, bà Trương Mỹ Lan có còn cơ hội thoát án tử? - 1

Bà Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Ngoài mức án trên, HĐXX còn tuyên buộc bà Lan phải có nghĩa vụ bồi thường số tiền 673.849 tỷ đồng. Đồng thời, bà chủ Vạn Thịnh Phát còn phải chịu 674 tỷ đồng án phí dân sự.

Những trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình

Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm không còn được quyền kháng cáo như bản án sơ thẩm.

Tử hình là hình phạt cao nhất trong quy định của pháp luật hiện hành. Vậy sau phán quyết trên, bà Trương Mỹ Lan có còn cơ hội sống?

Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực, bà Trương Mỹ được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Bị bác đơn kháng cáo, bà Trương Mỹ Lan có còn cơ hội thoát án tử? - 2

Nếu nộp lại ít nhất 3/4 số tiền tham ô, bà Lan có thể thoát án tử hình (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bên cạnh đó, người phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 40, Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ không áp dụng mức án tử hình.

Cụ thể, người phạm tội dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện cũng quy định không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên hoặc người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ, mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Với quy định trên, trong thời gian thi hành án, nếu bà chủ Vạn Thịnh Phát nộp lại ít nhất 3/4 số tiền đã bị cáo buộc tham ô, thì sẽ không bị thi hành án tử hình. Lúc này, căn cứ theo khoản 4, Điều 40, Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt tử hình sẽ chuyển xuống tù chung thân.

Nhiều tài sản chưa được làm rõ

Để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên, phong tỏa các tài sản liên quan đến bà Lan, trong đó bao gồm cổ phần của bà Lan tại SCB. Nếu có tranh chấp phát sinh liên quan đến việc xử lý số cổ phần này, sẽ được giải quyết bằng vụ án khác.

Bị bác đơn kháng cáo, bà Trương Mỹ Lan có còn cơ hội thoát án tử? - 3

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Đối với 1.120 mã tài sản được dùng để bảo đảm cho 1.243 khoản vay của bà Lan tại SCB - tòa sơ thẩm giao cho ngân hàng quản lý để xử lý nợ, song HĐXX phúc thẩm không chấp nhận.

Theo đó, TAND Cấp cao tại TPHCM sửa án sơ thẩm, buộc SCB phải phối hợp cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý khối tài sản này. Việc xử lý các tài sản phải được thực hiện dưới sự giám sát của VKSND Tối cao, Bộ Công an và cơ quan thi hành án, để đảm bảo hiệu quả thu hồi. Khi SCB xử lý tài sản để thu hồi nợ, nếu dư thì phối hợp với C03 để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của bà Lan, thì sử dụng vào các nghĩa vụ bồi hoàn khác của bị cáo trong vụ án.

HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bà Lan về việc xin giải tỏa kê biên biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần, quận 3; tòa nhà số 19-25 Nguyễn Huệ, nhà đất 21-21A Trần Cao Vân, quận 1 (TPHCM)... Quá trình xét xử, bà Lan cho rằng những tài sản này không thuộc sở hữu của mình, không liên quan đến vụ án, song HĐXX xác định bản chất những tài sản này là của bà Lan nên tiếp tục kê biên.

Đối với dự án 6A, khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TPHCM), bà Lan nói cho SCB mượn để tái cơ cấu, đề nghị tòa buộc ngân hàng trả lại. Bà cũng tự nguyện dùng tài sản này để khắc phục hậu quả của vụ án. Theo tòa, vấn đề này chưa được cấp sơ thẩm xem xét nên cấp phúc thẩm không có căn cứ giải quyết. Tuy nhiên, các nghĩa vụ của bà Lan phải thi hành trong vụ án là đặc biệt lớn, nên việc xử lý tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án.

Trong quá trình xét xử phúc thẩm, bà Lan đề nghị SCB hoàn trả số tiền 5.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, nhưng đại diện ngân hàng cho rằng số tiền này đã hòa vào dòng tiền chung. Theo HĐXX, vấn đề này chưa được cấp sơ thẩm điều tra làm rõ, nên cấp phúc thẩm không có căn cứ để xem xét. Vì vậy, nếu có tranh chấp phát sinh thì các bên khởi kiện trong một vụ án khác.