1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

TPHCM:

Bắt vụ làm giả dây cáp điện gây nguy hiểm cho người sử dụng

(Dân trí) - Hàng ngàn mét dây cáp điện kém chất lượng vừa bị lực lượng chức năng phát hiện khi một công ty đang lén bán ra thị trường gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an TPHCM vừa phát hiện Công ty TNHH TM DV Điện Tường Phát (tại số 102 Gia Phú, phường 1, quận 6) bày bán gần 3.000m dây cáp điện giả, nhái nhãn hiệu HWASAN của Công ty TNHH SX - TM Tân Nghệ Nam (có địa chỉ số 66A, khu 1, tỉnh lộ 830, ấp 3, Xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Số dây, cáp điện giả, nhái của Cty Tân Nghệ Nam bị cảnh sát kinh tế phát hiện 
Số dây, cáp điện giả, nhái của Cty Tân Nghệ Nam bị cảnh sát kinh tế phát hiện 

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng xác định, Cty TNHH SX TM Tân Nghệ Nam (Cty Tân Nghệ Nam) do ông Tăng Hán Kiên làm giám đốc, công ty này chuyên sản xuất dây và cáp điện mang nhãn hiệu HWASAN, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền và chỉ có duy nhất một đại lý là Công ty TNHH TM Điện Hào Quang (số 09, Lương Nhữ Học, Phường 10, quận 5, TP. HCM) được độc quyền phân phối sản phẩm dây, cáp điện nhãn hiệu HWASAN.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhãn hiệu dây điện HWASAN khá nhiều. Nhiều điểm bán đã lợi dụng thương hiệu này để bán hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu và gây thất thu hàng tỷ đồng cho Cty Tân Nghệ Nam.

Điều nghiêm trọng hơn, khi người tiêu dùng mua phải số dây, cáp điện dỏm sẽ không đáp ứng được chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp gây nguy cơ chập điện, gây cháy nổ…

Theo ông Tăng Hán Kiên, hiện các dây và cáp điện giả trên thị trường thường được chế tạo từ kim loại đồng chứa nhiều tạp chất, độ tinh khiết không cao, đường kính các sợi nhỏ và số sợi thiếu, vì vậy, tiết diện của các ruột dẫn nhỏ hơn so với quy định làm cho điện trở dây dẫn tăng, gây tổn thất điện. Khả năng chịu cường độ dòng điện kém do tiết diện nhỏ và điện trở lớn, gây quá tải và phát nóng.

Mặt khác, phần cách điện được làm bằng nhựa kém chất lượng hoặc tái chế nên xốp, bở, giòn, dễ gãy nứt khi uốn, lắp đặt. Do vậy, trong quá trình sử dụng rất dễ bị lão hóa, nóng chập cháy, rò điện ngầm, gây cháy, nổ làm thiệt hại lớn về người và tài sản.

Tuy nhiên, đối với hàng giả, nhái sẽ không đạt đúng tiêu chuẩn về ruột dẫn và vỏ bọc cách điện như qui định. Cụ thể, loại dây cáp điện 16mm thì hàng giả, nhái chỉ có 13 hoặc 14mm. Tương tự, với các loại nếu là hàng giả, hàng nhái thì đường kính của các loại dây này sẽ giảm 3-5mm so với hàng thật.

Hàng nhái thì đường kính của các loại dây này sẽ giảm 3-5mm so với hàng thật
Hàng nhái thì đường kính của các loại dây này sẽ giảm 3-5mm so với hàng thật

“Tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu cơ sở sản xuất, những đại lý buôn, bán hàng giả, hàng nhái trên thị trường nhằm trả lại niềm tin cho doanh nghiệp, đây cũng là cách chia sẻ giúp doanh nghiệp có thể phát triển và mang lại chất lượng tốt nhất về mặt hàng dây cáp điện trên thị trường” – Ông Kiên chia sẻ.

Cùng nhìn nhận về thực trạng hàng giả, hàng nhái đang lộng hành, lãnh đạo Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap), Cơ quan Thường trực 127 TW đều cho rằng vấn đề hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại đang ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, có thương hiệu tỏ ra bức xúc trước việc bản quyền hàng hoá bị xâm phạm, làm giả, làm nhái gây ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh công ty.

Lãnh đạo Cục quản lý thị trường (QLTT) đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái lộng hành là do còn nhiều kẽ hở để các đối tượng kinh doanh bất chính lợi dụng; Chế tài xử lý các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này còn quá nhẹ; sự thiếu đồng bộ giữa các lực lượng chức năng; nhận thức hạn chế của người tiêu dùng, sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương…

Số liệu báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, đơn vị này đã phát hiện, kiểm tra gần 200 vụ buôn bán, sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tạm giữ hơn 400.000 đơn vị sản phẩm.

Trung Kiên