Bất ngờ trong đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB
(Dân trí) - Không xuất hiện trong suốt phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm nhưng mới đây, ông Trần Quí Thanh đã lên tiếng sau khi bị VKS đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự và cấm xuất cảnh.
Né tránh phiên tòa?
Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và đồng phạm trong vụ đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB đã đi vào phần nghị án. Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào ngày 24/1. Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi phải chăng ông Trần Quí Thanh đã né tránh phiên tòa này?
Trước vấn đề trên, ông Thanh cho rằng bản thân đã hợp tác với các cơ quan tố tụng 3 năm qua, để xác định sự thật. "Chẳng có lý do gì tôi phải né tránh khi phiên tòa xử công khai giải quyết yêu cầu đòi lại tiền của chúng tôi. Tất cả các ý kiến tại tòa, kể cả các ý kiến bất lợi cho tôi, tôi đều đọc lại. Tôi tôn trọng và hiểu tất cả các ý kiến khác nhau nhằm xác định sự thật của vụ án, không phải lúc nào quá trình xác định sự thật cũng dễ dàng. Tôi đã có tuổi, chịu nhiều thất bại, có một số thành công, tôi chấp nhận các thách thức của cuộc sống, tôi không nản chí trước các ý kiến bất lợi", ông Thanh nói.
Liên quan đến việc VKS đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự, cấm xuất cảnh với ông Thanh và bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), ông Trần Quí Thanh cho rằng: "Chúng tôi không vi phạm gì vì không có lý do để chúng tôi đồng phạm với bất cứ ai để lấy tiền của chính mình. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 3 năm qua đã xác thực việc này. Tôi mong Tòa phúc thẩm phán xét ngay. Nếu không có phán xét ngay, nếu cứ tiếp tục “điều tra”, “làm rõ”, cứ tiếp tục “kiến nghị” khi mọi việc đã rõ thì không có ai, không có doanh nhân nào có thể kinh doanh trong sự nghi ngờ của xã hội hết năm này qua năm khác".
Theo ông Thanh, hiện có nhiều ngân hàng tiếp thị, chào mời ông gửi tiền, vay tiền như chính VNCB trước đây. Khi đó thông tin về VNCB tốt và không có bất cứ một khuyến cáo từ cơ quan quản lý Nhà nước với người gửi tiền. Nếu chỉ vì việc gửi tiền, vay tiền mà phía ông bị thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, tài sản của mình, có nguy cơ không chỉ mất tiền mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự thì đó là vấn đề rất lớn của môi trường kinh doanh, của hành lang pháp lý.
"Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình, con gái tôi cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Các hành vi của cá nhân tôi, con gái tôi không liên quan đến doanh nghiệp của tôi, đến các nhân viên của tôi, đến những người nông dân cung cấp nguyên liệu, đến các đối tác của tôi. Đã có rất nhiều sự quy chụp, suy diễn trong và ngoài phiên tòa làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tôi, ảnh hưởng đến các đối tượng này", ông Thanh nói.
Thu hồi hàng nghìn tỷ đồng?
Trước câu hỏi nếu tòa phúc thẩm vẫn quyết định thu hồi tiền, không trả lại tiền gửi của ông Thanh cùng các cá nhân khác?
Ông Trần Quí Thanh nêu quan điểm: "Tiền gửi của chúng tôi trong vụ án chuẩn bị đầu tư xây dựng 3 nhà máy mới tại Hậu Giang, Quảng Nam và Hà Nam. Việc thu tiền gửi hợp pháp của chúng tôi là không phù hợp pháp luật, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đến nguồn thu ngân sách trong tương lai. Tuy nhiên, tôi tôn trọng nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm theo luật pháp và lẽ công bằng".
"Chúng tôi không lấy lại được tiền là do Tòa sơ thẩm xác định một số khoản tiền chúng tôi nhận được là vật chứng, nên Tòa quyết định thu hồi. Chúng tôi không thể biết, không có nghĩa vụ phải biết và thực tế chúng tôi không biết các khoản tiền chúng tôi nhận được có nguồn gốc sâu xa trước đó từ VNCB, để rồi bị xác định là vật chứng. Chúng tôi cùng các luật sư xác định không thể thu hồi số tiền này. Tuy nhiên, ngay cả khi số tiền của chúng tôi vẫn bị thu hồi thì cũng không xuất phát từ bất cứ sai phạm nào của chúng tôi", ông Thanh lí giải.
Ông Thanh nói thêm: "Số tiền của chúng tôi trong vụ án này rất lớn, nhưng niềm tin của chúng tôi còn lớn hơn. Nếu chúng tôi mất tiền trên cơ sở các phán xét được đưa ra một cách minh bạch, công bằng, chúng tôi vẫn còn niềm tin để vượt qua khó khăn này và sẽ kiếm lại được số tiền đã mất, sẽ tiếp tục cống hiến cho xã hội. Nếu có thu hồi tiền, xin hãy đừng thu hồi niềm tin của chúng tôi. Tôi đã đạt được một số thành công nhờ tin tưởng vào pháp luật, nay tôi tin Tòa phúc thẩm sẽ phán quyết công bằng".
Bản án sơ thẩm cũng tuyên thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng của vụ án để đảm bảo khắc phục hậu quả, trong đó có khoản tiền 5.190 tỉ đồng mà bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo Quyết chuyển khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích. Ngoài việc thu hồi khoản tiền này, HĐXX cũng tuyên buộc ông Trần Quý Thanh 362 tỉ đồng; Trần Ngọc Bích nộp lại 72 tỉ đồng.
Toà sơ thẩm cũng tuyên buộc Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6000 tỉ đồng gốc và lãi mà Danh đã thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.
Trung Kiên - Xuân Duy