1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bật mí những trò lừa bằng thuật thôi miên

Nhiều người giả vờ đi mua hàng rồi lấy trộm tiền của người bán tới hàng chục triệu đồng mà nạn nhân chỉ phát hiện ra sau khi kẻ gian đã... về nhà.

Những năm gần đây, ở nước ta thấy xuất hiện trò lừa đảo từ nhiều khách nước ngoài là kẻ xấu, họ giả vờ đi mua hàng rồi lấy trộm tiền của người bán tới hàng chục triệu đồng mà nạn nhân chỉ phát hiện ra sau khi kẻ gian đã đi khỏi một lúc. Lý giải, nhiều người cho rằng, đó là do kẻ gian biết cách thôi miên để hành sự…

Thỉnh thoảng, ta vẫn nghe trường hợp có người đang đi trên tàu, trên xe, thậm chí giữa buổi chợ đông đúc bỗng như bị “hớp hồn” và đã tự động móc ví tiền hoặc tự lột nữ trang trên người mình rồi trao cho một kẻ nào đó lạ hoắc. Một lúc sau, nạn nhân mới chợt hiểu ra là mình đã bị lột sạch hết tài sản cá nhân. Có người cảnh giác, cho rằng nạn nhân đã tự gây mê theo kiểu mà người khác gọi là bị bỏ “bùa mê, thuốc lú”. Nhưng nếu gây mê thì làm sao nạn nhân lại có thể trở về nhà và bình tĩnh nhớ lại trường hợp về bản thân bị mất tiền? Thậm chí họ đã tự trao tiền bạc, nữ trang cho kẻ xấu như có ai đó điều khiển.

Những câu chuyện khó tin

Chị Nguyễn Thị Lý, chủ một quầy hàng thịt bò nổi tiếng ở chợ Quy Nhơn kể lại câu chuyện của chính mình mà vẫn bàng hoàng. Sáng Chủ nhật, khu chợ tấp nập người mua kẻ bán; quầy thịt bò của chị vốn có uy tín với người tiêu dùng nên đông đúc suốt từ sáng sớm, ấy thế mà lạ lùng là thời điểm chị bị mất tiền lại không nhằm vào lúc đông khách nhất. Khoảng 10 giờ, hàng thịt đã bán gần hết, chị định dọn về thì có một người phụ nữ trung niên dẫn theo một đứa con gái chừng 15 tuổi dừng trước cửa. Bà ta bảo chị thái gấp cho một cân thịt bò loại ngon để về xào, giá cả bao nhiêu cũng được. Mừng vì vớ được khách dễ tính, chị vui vẻ phục vụ nhưng hóa ra không phải. Người khách ấy liến thoắng đưa ra đủ mọi yêu cầu, lúc bảo phải thái nhỏ, khi lại chê thái vụn quá, lúc yêu cầu phải thái to hơn, khi lại phàn nàn sao mà xắn miếng thịt to quá. Mãi rồi cuối cùng cũng xong và người khách móc ví lấy ra một xấp tiền loại 500 nghìn mới cứng, rút một tờ ra trả. Chị Lý thối tiền thừa 300 nghìn bình thường như mọi khách hàng khác, đầy đủ không thiếu một xu. Nhưng vị khách ấy cứ nhất quyết đòi đổi. Lúc chê tiền bẩn, phải đổi lại tờ tiền sạch; khi lại nói tiền chẵn quá, đổi tiền lẻ đi. Chị Lý quy ra tiền mệnh giá thấp loại 10 nghìn đồng rồi nhưng vị khách vẫn không hài lòng, đòi loại 5 nghìn đồng. Một lúc sau thì chị Lý rối bời lên bởi hàng loạt những yêu cầu được đưa ra cùng lúc. Bọc tiền hàng của chị đã bị chính chị bới tung để tìm tiền lẻ và sau này, chị kể lại, giọng người khách hàng ấy cứ the thé lại liến thoẳng liên hồi khiến chị ù cả tai. Trong khoảnh khắc, chị như bị mê đi và lúc chị bừng tỉnh cũng là lúc phát hiện thấy bọc tiền hàng gồm hơn chục triệu đồng đã được xếp gọn ghẽ chỉ còn trơ lại một tờ 500 nghìn đồng và mấy xấp tiền lẻ. Chị chắc chắn người khách đó đã cuỗm của chị, nhưng cuỗm lúc nào thì chị không biết.
 
Bật mí những trò lừa bằng thuật thôi miên

Tương tự, chị Ngọc là chủ một cửa hiệu kinh doanh mỹ phẩm kể, hôm đó là sáng sớm ngày 8/3, một người đàn ông ăn vận khá lịch sự, đi xe máy dừng trước cửa hàng. Anh ta hỏi mua một chai lăn nách giá 22 nghìn đồng nhưng lại trả bằng tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng. Vì mới sáng sớm, chưa bán được hàng cho ai nên trong ngăn kéo ở cửa hàng chị không có tiền để thối lại. Chị đành mở két lấy ví ra để thối. Lạ lùng là người khách đó cứ chăm chăm nhìn vào chiếc ví không rời mắt và liên hồi giục chị nhanh nhanh tay lên kẻo anh ta muộn giờ làm. Khi chị Ngọc còn đang lục tìm tiền lẻ thì người khách đó chộp lấy tay chị, miệng liến thoắng: “Có mấy trăm bạc mà chị tìm lâu thế, để tôi tìm cho”. Cảnh giác, chị giằng ngay chiếc ví lại: “Anh yên tâm, tôi sẽ trả lại anh đầy đủ”. Sau đó chị tìm đủ 478 nghìn đồng trả cho anh ta và anh ta đi khỏi cửa hàng. Chị cay đắng nhớ lại: “Việc chỉ có vậy thôi và tôi sẽ không hốt hoảng nếu như ngay sau khi anh ta lên xe phóng đi, tôi định lấy tiền ra đưa cho con trai đi ăn sáng... Trong ví lúc ấy có một xấp tiền loại 500 nghìn trị giá 10 triệu đồng, dù đã được buộc giây chun kỹ lưỡng, bỗng chỉ còn lại một nửa”. Chị Ngọc không biết người khách ấy đã rút tiền từ ví chị lúc nào bởi “tôi chỉ thấy hắn cầm ví thôi chứ không thấy hắn rút tiền lúc nào cả”. Cũng như chị Lý, chị Ngọc phỏng đoán có thể chị đã bị người khách ấy thôi miên làm cho chị mê đi, tự lấy tiền trong ví mình đưa cho hắn.

Anh Lâm, chủ một cửa hàng nước giải khát kể lại, trưa hôm đó vắng vẻ, chỉ có mình anh đứng bán. Có một tốp khách nước ngoài vai mang ba-lô, anh đoán họ là khách du lịch “bụi” dừng lại. Do không biết tiếng Anh nên anh chỉ giao tiếp với họ bằng cách ra hiệu. Họ mua 2 chai nước suối có giá chỉ hơn 20 nghìn đồng nhưng lại đưa trả bằng tờ 500 nghìn đồng. Tuy vậy, anh cũng cố lục tìm tiền lẻ thối lại cho họ đầy đủ. Nhưng khi nhận tiền rồi, họ lại rút trả anh mấy tờ đòi đổi vì chê tiền cũ. Chiều khách, anh lấy giỏ tiền ra, chọn những tờ mới nhất để cho họ hài lòng. Sau khi tốp khách đó đi khỏi, kiểm lại giỏ tiền, anh hốt hoảng khi thấy bị mất 10 triệu đồng.

... Và những thủ đoạn khó lường

Một trong những tình huống bị mất tiền khác, theo phản ánh của người dân là có những tốp khách nước ngoài không mua hàng mà chỉ làm quen với bất kỳ người đi đường nào mà họ cảm thấy thân thiện. Nếu ở ngoại thành, họ sẽ chìa ra tấm bản đồ thành phố giả bộ hỏi đường. Điều đáng lưu ý là nếu thấy người Việt không biết nói tiếng Anh, đám du khách này lập tức sẽ dùng tiếng Việt để làm quen hòng gây thiện cảm. Sau khi lấy cớ hỏi đường, họ sẽ dần dần lái câu chuyện sang chủ đề văn hóa, ẩm thực. Rồi họ sẽ rút tờ 1 USD hoặc tờ 100 nghìn đồng để tặng người bạn Việt mới quen. Động tác này thực chất là một miếng mồi để câu người bị hại rút ví tiền ra khỏi túi.

Khi thấy ví tiền ấy, đám du khách nước ngoài này sẽ ngỏ ý muốn được xem các loại tiền Việt Nam từ loại mệnh giá nhỏ nhất đến mệnh giá lớn nhất. Người nào đồng ý rút ví cho xem như mắc bẫy. Nhiều nạn nhân kể lại trong hoang mang, họ hoàn toàn không nhìn thấy bất kỳ ai trong đám du khách này rút tiền của họ vậy mà tiền trong ví vẫn không cánh mà bay. Có người bị mất tới cả xấp tiền 500 nghìn.

Trong đại đa số các trường hợp mất tiền không thể lý giải được kể trên, người bị hại đều tin rằng họ đã bị thôi miên. Tất cả đều cho rằng, họ không nhìn thấy những kẻ đó lấy tiền của họ và trong khi mọi chuyện diễn ra, họ hầu như không tỉnh táo. Thậm chí, nhiều người còn khẳng định, những kẻ đó đã dùng mắt nhìn xoáy vào họ rất lâu để họ u mê đi và cứ thế tự tay lấy tiền đưa cho chúng. Phải chăng, vì bị thôi miên mà họ mất tài sản?

Chúng ta chỉ có thể lý giải, các trường hợp trên chính là thuật thôi miên của những tay cao thủ đã lợi dụng "nghề" của mình để làm điều xấu. Một số nhà am hiểu về lĩnh vực thôi miên đã nghiên cứu một số phương pháp đơn giản như "ám thị" bằng lời nói. Đây là phương pháp khá phổ biến trong thuật thôi miên, được nhiều chuyên gia sử dụng. Nếu thấy họ thể hiện bằng giọng nói đều đều, đó chính là sự “ám thị”, gợi ý cho đối tượng chấp nhận thôi miên. Một phương pháp khác là dùng âm thanh với âm lượng cố định để kích thích đối tượng bị thôi miên. Chẳng hạn, người ta sử dụng một băng ghi âm tiếng động phát ra âm thanh đại loại như tiếng giọt mưa đều đặn, tiếng gõ nhịp đều đều làm cho người bị thôi miên cứ ngấm dần vào giấc ngủ. Lúc ấy họ thường có cảm giác mí mắt mình nặng nề hơn, dường như đang bị chìm dần vào giấc ngủ khó cưỡng.

Dùng 100 USD mua đồ giá rẻ

Bị mất tiền một cách khó hiểu còn có chị Thúy, chủ một cửa hàng tạp hóa lớn ở Phù Cát. Những vị khách nước ngoài cũng vào cửa hàng chị mua đồ có giá trị thấp nhưng lại đưa tờ 100 USD đòi thối lại bằng tiền Việt. Vì thế, chị đã phải vào gian nhà trong mở két lấy tiền. Khi đếm tiền để trả, chỉ duy nhất một lần một người khách ngoại quốc trong tốp khách đó sờ vào tập tiền của chị, chỉ tay vào xấp tiền 500 nghìn đồng với lý do đòi được thối lại bằng loại tiền mới đó. Vậy mà khi họ rút lui, kiểm lại chị thấy mất 20 triệu đồng!

Theo Nguyễn Tuấn Tuấn
Công lý