Bản di chúc bí ẩn của người phụ nữ mang hai quốc tịch
Nhờ bản di chúc, chị thắng kiện em gái để giành quyền sở hữu nhà số 372/21 ở TP HCM. Tuy nhiên, cô em cho rằng, bản di chúc đó là trái luật.
Năm 1997, bà Trần Ngọc Tuyết (SN 1953) sang Mỹ cư ngụ và nhập quốc tịch nước này.
Trước đây cả đại gia đình bà cư ngụ tại số 372/45 bis (số mới là 372/21), Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, TP HCM. Hiện căn nhà này do em gái bà là Trần Thị Ngọc Nga ở.
Bà Tuyết cho hay, năm 2012, bà về Việt Nam thì em trai út là Trần Văn Sinh (mất năm 2015) và bà Ngọc Nga không cho vào nhà, nên ngày 26/9/2013, bà Tuyết làm thông báo đòi nhà số 372/21. Sau đó vụ việc được đưa ra tòa sau khi không thể hòa giải.
Bản di chúc được cho là của bà Di
Bà Tuyết cho rằng, căn nhà trên, bà được cô ruột là Trần Thị Di (đã mất năm 1990) di chúc để lại cho mình. Bà là người có quyền sở hữu theo di chúc. Năm 1997, bà Tuyết xuất cảnh sang Mỹ cùng một số anh chị em trong nhà, đồng thời nhờ bà Trần Thị Ngọc Nga trông coi hộ.
Trong khi đó, phía bà Trần Thị Ngọc Nga (SN 1956) trình bày, căn nhà này, bố mẹ và anh chị em trong gia đình (trong đó có cả bà Di) ở từ năm 1951. Theo bà Nga, căn nhà này thuộc sở hữu của bố mẹ bà Nga chứ không phải của cô ruột là bà Trần Thị Di.
Năm 1997, trước khi xuất cảnh sang Mỹ, bà Tuyết đã có bản xác nhận không có bất kỳ tài sản nào ở Việt Nam. Bởi vậy, bà Nga quả quyết rằng, việc đòi nhà của chị gái là không có cơ sở.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Ánh Nguyệt (vợ ông Sinh) cũng cho biết, bà về căn nhà này năm 2000. Thực tế, căn nhà này cả gia đình nhà chồng bà sinh ra và lớn lên ở đây từ năm 1951.
Năm 1997, các anh chị em xuất cảnh sang Mỹ thì chỉ có chồng bà, bà Nga cùng bố mẹ chồng ở. Đến nay, tại căn nhà này có bà Nguyệt, con cái bà Nguyệt cùng bà Nga đang cư ngụ. Gia đình bà cũng đã hai lần sửa chữa căn nhà này vào năm 1991 và năm 2012.
Thụ lý vụ án, Tòa án TP HCM xử sơ thẩm, sau đó Tòa án Cấp cao tại TP HCM xem xét kháng cáo đều cho rằng, nhà số 372/21 thuộc sở hữu của bà Di, bà Nga không chứng minh được tài sản đó do bố mẹ đẻ của mình để lại.
Căn cứ vào bản di chúc ngày 20/7/1984 của bà Di đồng ý cho bà Trần Ngọc Tuyết thừa kế tài sản, bản di chúc có chữ ký xác nhận của chính quyền phường, hai cấp tòa đồng ý với yêu cầu đòi nhà của nguyên đơn dân sự yêu cầu bà Nga trả lại nhà cho chị gái của mình.
Bản di chúc có trái luật (?!)
Mới đây, người phụ nữ khuyết tật Trần Thị Ngọc Nga có đơn gửi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 43/2018/DS-PT ngày 28/3/2018 của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP HCM theo hướng “bác yêu cầu đòi nhà của nguyên đơn”, “Tuyên vô hiệu tờ di chúc ngày 20/7/1984 vì không hợp pháp cả nội dung lẫn hình thức”.
Người phụ nữ khuyết tật Trần Thị Ngọc Nga cho rằng, việc đòi nhà của chị gái Trần Ngọc Tuyết dựa trên cơ sở của bản di chúc là không đúng pháp luật.
Theo đơn kiến nghị của bà Nga, khi các chị em trong gia đình sang Mỹ định cư, bà là người quản lý, sử dụng nhà số 372/21 với tư cách là chủ sở hữu.
Bà Trần Ngọc Tuyết không hề được cấp giấy chứng nhận nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với căn nhà số 372/21 hay bất kỳ giấy tờ nào chứng minh mình là chủ sở hữu ngoài bản di chúc và được tòa sử dụng làm căn cứ để tuyên bà Tuyết là chủ sở hữu nhà số 372/21.
Bà Nga cho rằng, chứng cứ cũng như nhận định của Tòa án Cấp cao tại TP HCM để làm căn cứ ra quyết định chấp nhận yêu cầu của bà Trần Ngọc Tuyết là chưa đầy đủ và không tuân theo các quy định của pháp luật, làm sai lệch toàn bộ nội dung vụ án (?!).
Chứng minh cho lý lẽ của mình, bà Nga cho rằng, bản di chúc do bà Di lập được UBND phường 18, quận 4, TP HCM xác nhận “chữ ký là hợp pháp” là trái với các quy định.
Theo Thông tư số 08/TANDTC hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế thì khi bà Di lập di chúc phải được chính quyền địa phương xác nhận đối với cả nội dung của di chúc chứ không phải chỉ xác nhận chữ ký.
Mặt khác, bà Di là người không biết chữ vậy những nội dung trong di chúc, liệu bà Di có biết?
Thêm nữa, trong bản di chúc đã bị chỉnh sửa, viết thêm vào mà không có sự xác nhận của bà Di hay chính quyền địa phương. Thời điểm lập di chúc, bà Di đã 70 tuổi, là người nghiện rượu nặng, vậy bà Di có thực sự minh mẫn để lập bản di chúc đó?. Ngoài ra, trong bản di chúc không có sự xác nhận của cơ quan y tế về tình trạng sức khỏe của bà Di thời điểm lập di chúc.
Bên cạnh đó, bản di chúc được lập ngày 20/7/1984, thời điểm căn nhà 372/21 đang xảy ra tranh chấp chủ sở hữu thì liệu nó có giá trị pháp lý?.
Việc Tòa căn cứ cho rằng, Sở xây dựng đã cấp phép xây dựng và bà Tuyết đã xây dựng lại căn nhà này, theo bà Nga căn cứ này không đúng thực tế vì căn nhà trên đã qua 2 lần sửa chữa và như bà Nguyệt nêu do bố mẹ chồng bỏ tiền cũng như sự đóng góp của anh chị em bên Mỹ.
Ngoài ra, bà Nga cũng được chính quyền địa phương xác nhận là cư trú ở nhà số 372/21 lâu dài. Năm 1990 bà Tuyết kê khai di sản thừa kế, nhưng không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, điều này cho thấy bản di chúc mà bà Tuyết đưa ra không có giá trị pháp lý.
Trên cơ sở đó, bà Nga đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm và cho rằng, việc chị gái mình là bà Trần Ngọc Tuyết đòi nhà là phi lý, không đúng cơ sở pháp luật (!?).
Theo V.Đức
(VOV.VN)