Bà Trương Mỹ Lan nói có tỷ phú nước ngoài muốn đem tiền giúp bị cáo
(Dân trí) - Bị cáo Trương Mỹ Lan nói có tỷ phú nước ngoài muốn mang tiền vào SCB nhưng phải được gặp bà. HĐXX cho biết sẽ tạo điều kiện hết sức nếu có người muốn giúp bị cáo khắc phục thiệt hại.
Chiều 20/3, sau khi các luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, bản thân bà tự đưa ra luận cứ bào chữa cho mình. Chủ tọa lưu ý những gì luật sư đã trình bày rồi bị cáo không nói lại.
Xin tòa giúp thu hồi tiền cho SCB thuê nhà
Cầm trên tay tập tài liệu đã có ghi chú những gì cần nêu, bà Lan nói: "Vào ngày luận tội, VKS có nhận định trong quá trình xét xử tôi quanh co chối tội, đổ tội cho nhân viên cấp dưới, tôi đau xót. Tôi không quanh co".
Bà tiếp tục định nói về bối cảnh tái cơ cấu SCB, việc bà bỏ tài sản vào ngân hàng. Chủ tọa yêu cầu bị cáo không trình bày lại vì các luật sư đã nói.
"Ở trại tạm giam trái tim tôi rỉ máu, làm sao để cho người ta mang tiền vào SCB. Tôi từng xin được tại ngoại để làm việc với các tỷ phú nước ngoài mang tiền vào SCB nhưng không được xem xét. Tôi nhắn luật sư nói con tôi liên hệ với họ, tập đoàn tài chính thế giới hứa trong tháng 1 sẽ vào, nhưng với điều kiện phải gặp tôi để tôi bảo lãnh, gặp cả lãnh đạo SCB cũ và mới", bị cáo Lan nói.
Lúc này, HĐXX nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện cho bị cáo nếu thật sự có tỷ phú nào muốn giúp bị cáo khắc phục thiệt hại. "Nếu có tỷ phú thì HĐXX sẽ tạo điều kiện hết sức để họ gặp bị cáo ngay tại trại giam", chủ tọa nói.
"Muốn HĐXX hiểu cảnh khổ là tôi dù bị tạm giam vẫn cố gắng... Mong HĐXX giúp đỡ tôi, các nhà đầu tư vào thì tạo điều kiện", bị cáo Lan nói.
Chủ tọa Phạm Lương Toản ngắt lời, nhắc bị cáo không cần trình bày lại: "HĐXX đã nói trong cuộc gặp đó cần điều kiện gì thì luật sư bị cáo có văn bản gửi cho HĐXX, tòa sẽ tạo điều kiện tốt nhất đáp ứng điều kiện đó".
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng mong HĐXX xem xét kỹ về các cáo buộc bị cáo, làm rõ mối quan hệ giữa Vạn Thịnh Phát và SCB. Bà cho rằng Vạn Thịnh Phát không có người đại diện để làm việc với SCB. Việc tái cơ cấu SCB "đổ bể" không phải do bị cáo làm dở mà do bị cáo bị bắt. Bà vẫn giữ quan điểm như những ngày xét hỏi tại tòa là không thừa nhận việc chiếm đoạt tiền của SCB.
Bên cạnh đó, bà Lan mong HĐXX cho bà được tiếp cận bản thực thu thực chi của SCB trong vòng 11 năm qua và bản báo cáo tài chính trước khi bị cáo bị bắt. Theo bị cáo, trong lúc ở trại tạm giam bà đã xem và xác nhận số liệu thu - chi của 9 năm, còn 2 năm chưa xác nhận.
Về số tiền đã nộp vào trong giai đoạn điều tra, truy tố, bà Lan xin chuyển tiền đó sang cho Trương Huệ Vân. Ngoài yêu cầu giữ lại biệt thự cổ, bà Lan cũng xin HĐXX xem xét giúp thu tiền thuê với căn nhà 19 Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM). Bà cho biết căn nhà này của con gái bà đang cho SCB thuê. "SCB không trả tiền nhà hơn một năm nay, con tôi bế tắc. Xin HĐXX xem xét giúp tôi", bà Lan trình bày.
Trong phần luận tội ngày 19/3, VKS ghi nhận bị cáo Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tại tòa bà Lan cũng tự nguyện cam kết dùng các tài sản để khắc phục thiệt hại trong vụ án.
Song, cơ quan công tố đánh giá trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện chuỗi hành vi phạm tội. Bị cáo phạm tội nhiều lần, tội danh đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện chuỗi hành vi phạm tội trong thời gian dài, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn, phạm tội 2 lần trở lên, dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội.
Trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo không tỏ ra ăn năn hối cải mà quanh co, đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền. Hành vi bị cáo tạo dư luận xấu trong xã hội, dư luận xấu với quốc tế.
Do đó VKS cho rằng cần có hình phạt nghiêm trị, loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, đề nghị HĐXX tuyên mức án tử hình chung cho 3 tội danh Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Luật sư mong HĐXX xem xét tội danh của bà Trương Mỹ Lan
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi cho bà Lan, trong đó đề nghị HĐXX xem xét lại các cáo buộc với Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo các luật sư, trước thực trạng tài chính yếu kém của 3 ngân hàng gồm SCB (cũ), Ngân hàng Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất, người dân rút tiền hàng loạt, nếu không hợp nhất kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của hệ thống tài chính tiền tệ của Nhà nước.
Trước bối cảnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã vận động bà Lan tham gia vào quá trình hợp nhất 3 ngân hàng này. Bởi, những người này cho rằng chỉ có bà Lan mới đủ điều kiện vì có đủ tài sản, có uy tín trong và ngoài nước để tham gia vào quá trình hợp nhất thành công.
Để thực hiện đề án hợp nhất, theo trình bày của bà Trương Mỹ Lan, bà đã dùng các tài sản riêng, thuộc sở hữu của Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông làm tài sản đảm bảo để 3 ngân hàng có được thanh khoản cần thiết dự phòng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra.
Đến năm 2022 trở đi, SCB đã xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm nợ xấu và tài sản tồn đọng, đa dạng hóa cổ đông với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trước khi đề án cơ cấu 2022-2028 được phê duyệt, bà Lan bị khởi tố.
Về nguyên nhân dẫn đến vụ án này, theo luật sư là do các vấn đề trong cơ chế vận hành, quy trình hoạt động cho vay của SCB. Ngoài ra, còn xuất phát từ mặt chủ quan trong nhận thức của bà Lan với tư cách cổ đông và đại diện nhóm cổ đông lớn của SCB.
Theo đó, luật sư Phan Trung Hoài chỉ ra rằng, khó khăn của SCB sau hợp nhất bắt nguồn từ khoản vay tín dụng tồn tại của ngân hàng cũ do các khoản lỗ, nợ xấu đã tích lũy nhiều năm.
Theo luật sư, bà Trương Mỹ Lan không ký bất kỳ hồ sơ vay và đảm bảo tiền vay nào nhưng phải đưa toàn bộ tài sản, dự án có giá trị nhằm đảm bảo khoản vay tái cơ cấu.
Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.