Bà Lê Hoàng Diệp Thảo không muốn ly hôn
(Dân trí) - Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bất ngờ muốn rút đơn ly hôn và muốn đoàn tụ nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ không đồng ý.
Chiều 2/12, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (sinh năm 1973) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Trong phiên tòa buổi sáng, HĐXX đã hoàn tất xong thủ tục. Trong phần thủ tục, phía nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo đưa ra nhiều yêu cầu như thay đổi HĐXX, trưng cầu giám định tâm thần đối với ông Vũ, triệu tập người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, các yêu cầu của bà Thảo không được HĐXX chấp nhận.
Đáng chú ý, tại phiên tòa phúc thẩm lần này, HĐXX quyết định cho các bên hòa giải lại 1 lần nữa. Trong phần này, bà Thảo ngỏ ý muốn rút đơn ly hôn, thay đổi quyền cấp dưỡng nuôi con cũng như rút các yêu cầu khác, tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý hàn gắn lại với bà Thảo.
“Bản thân tôi mong muốn đoàn tụ cùng gia đình, sát cánh cùng anh Vũ để tiếp tục phát triển tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Bản thân tôi là một người vợ, người mẹ thấy anh Vũ sức khỏe đang có vấn đề nên mong muốn được chăm sóc anh. Nếu bây giờ, anh Vũ đồng ý thì các bên sẽ rút đơn ly hôn và vụ án sẽ được đình chỉ”, bà Thảo trình bày.
Lý giải việc không đồng ý hàn gắn với bà Thảo, ông Vũ cho rằng vụ việc kéo dài quá lâu, mọi việc đã đi quá xa không thể còn điểm dừng. Ông Vũ cũng mong muốn chấm dứt sự việc để không phải chịu nỗi đau gia đình ông đang phải gánh chịu. Quá trình chung sống bà Thảo có nhiều hành vi không phải với ông cũng như gia đình ông, buộc ông phải chọn giải pháp là ly hôn.
“Vợ chồng sống với nhau phải bằng cái tâm, thật lòng chứ không phải bằng một thứ gì khác, bây giờ, bà muốn hàn gắn cũng không được nữa”, ông Vũ chia sẻ.
Sau phiên tòa, luật sư của bà Thảo cho rằng trong quá trình điều hành phiên tòa, HĐXX đã nhiều lần can thiệp vào việc luật sư của nguyên đơn đặt câu hỏi là vi phạm nghiêm trọng tới cách điều khiển phiên tòa. Đồng thời, luật sư cho rằng việc quyết định của Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM bị “bỏ quên” ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án một cách triệt để.
Tiếp lời luật sư, bà Thảo cho rằng trong suốt quá trình hỏi tại phiên tòa chiều nay chưa làm rõ được người giữ vai trò quan trọng trong quá trình tạo lập, hình thành và đưa Trung Nguyên ngày càng phát triển đi lên.
Bà Thảo cho rằng trong quá trình hình thành và phát triển Trung Nguyên, bà luôn có sự đóng góp ngang bằng với ông Vũ, vì vậy, khi phân chia tài sản cũng phải chia theo tỉ lệ ngang nhau thì mới phù hợp với những gì bà đã đóng góp cho Trung Nguyên.
Trước đó, cấp sơ thẩm đã tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và có nghĩa vụ trả lại bà Thảo bằng tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu. Theo HĐXX, ông Vũ "có công lớn hơn" và việc giao công ty cho ông Vũ điều hành là có tính đến lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.
Còn luật sư của Vũ cho rằng các vấn đề then chốt của vụ án đã được giải quyết trong bản án sơ thẩm nên tại phiên tòa phúc thẩm chiều nay các bên cũng chỉ hỏi các vấn đề liên quan tới tài sản chung của vợ chồng. Về vấn đề ly hôn và cấp dưỡng cho các con thì luật sư cho rằng giữa nguyên đơn và bị đơn tự thỏa thuận với nhau và HĐXX sẽ ghi nhận sự tự nguyện của các bên.
Ngày mai, 3/12, phiên tòa bắt đầu tranh luận.
Xuân Duy