Bà Lê Hoàng Diệp Thảo không mở cửa cho tổ cưỡng chế
(Dân trí) - Tổ cưỡng chế gồm cơ quan thi hành án cùng công an phường, tổ trưởng tổ dân phố đã tới nhà riêng của bà Thảo để thực hiện việc cưỡng chế buộc bà Thảo phải giao trả con dấu cho Trung Nguyên. Tuy nhiên, bà Thảo không mở cửa.
Ngày 6/6 Cục thi hành án dân sự TPHCM tổ chức thi hành án, buộc bà Lê Hoàng Diệp Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép, chiếm giữ con dấu, giấy chứng nhận kinh doanh…
Theo ghi nhận, cơ quan thi hành án cùng công an phường, tổ trưởng tổ dân phố đã tới nhà riêng của bà Thảo để thực hiện việc cưỡng chế buộc bà Thảo phải giao trả con dấu cho Trung Nguyên. Tuy nhiên bà Thảo không mở cửa.
Trước việc không mở cửa của bà Thảo, đại diện Cục Thi hành án Dân sự TPHCM cùng người liên quan đã lập biên bản ghi nhận sự việc.
Theo tổ trưởng tổ dân phố thì nhiều lần ông đến đưa thông báo nhưng gia đình bà Thảo không mở cửa.
Cùng ngày bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn tố cáo chấp hành viên vi phạm pháp luật và có dấu hiệu lạm quyền. Bà Thảo đề nghị Cục thi hành án dân sự TPHCM tiến hành xác minh làm rõ.
Trong quá trình thi hành án, Cục thi hành án dân sự TPHCM đã tiến hành các thủ tục tống đạt quyết định thi hành án, giấy báo... nhưng bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn chưa thi hành các khoản theo nội dung tuyên án.
Bà Thảo tố cáo chấp hành viên
Ngày 25/4/2019, Cục thi hành án dân sự TPHCM đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế và đã tống đạt, niêm yết theo quy định cho bà Thảo nhưng đến nay bà Thảo vẫn chưa thi hành án.
Theo quy định, trong trường hợp bà Thảo không tự nguyện thi hành án thì Cục thi hành án sẽ ban hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định.
Theo bản án phúc thẩm, bà Thảo là cổ đông của TNH, nắm 30% vốn điều lệ. Sáng 16/10/2015, bà Thảo dẫn theo một số người đến trụ sở công ty cưỡng đoạt con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc này được Văn phòng thừa phát lại quận Bình Tân ghi nhận.
Hành vi của bà Thảo gây khó khăn cho Trung Nguyên trong việc giao dịch với đối tác, khách hàng... Tập đoàn đã nhiều lần yêu cầu trả lại toàn bộ con dấu và giấy đăng ký kinh doanh nhưng bà Thảo không thực hiện.
Theo TNH, từ cuối năm 2014, bà Thảo không còn được ủy quyền thực hiện bất kỳ công việc liên quan đến hoạt động của công ty. TNH sau đó khởi kiện yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép con dấu của công ty, đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền và nhân danh công ty để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền. Công ty này yêu cầu HĐXX buộc bà Thảo hoàn trả ngay các tài sản chiếm giữ.
Tháng 3/2018, TAND TPHCM xử sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Theo HĐXX, người đại diện theo pháp luật của Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ chứ không phải bà Thảo nên bà không có quyền chiếm giữ con dấu. Pháp luật về Doanh nghiệp cũng quy định, việc quản lý sử dụng con dấu phải thực hiện theo điều lệ công ty - tức con dấu phải được lưu giữ tại công ty.
Cuối năm ngoái, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Liên quan việc tranh chấp các quyền và lợi ích của bà Thảo, ông Vũ tại Trung Nguyên, các cơ quan tố tụng đã và đang giải quyết tổng cộng 19 vụ kiện.
Nhiều phóng viên đang ở trước nhà bà Thảo.
Hôm 27/3, TAND TPHCM tuyên án vụ ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ. Cả hai đều có đơn kháng cáo. Viện kiểm sát kháng nghị huỷ toàn bộ án sơ thẩm.
Trước đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn tố cáo lãnh đạo chủ chốt của Trung Nguyên. Theo đơn tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, từ năm 2015 đến nay, lợi dụng ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT công ty Trung Nguyên) có dấu hiệu bị hạn chế năng lực, hành vi, một số lãnh đạo chủ chốt của công ty khi được ông Vũ ủy quyền đã có hành vi chi khống, nâng khống giá trị hàng hóa mua vào của công ty Trung Nguyên để chiếm đoạt tài sản.
Sau khi tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ và trao đổi với Viện KSND Tối cao, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định nội dung tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo là tranh chấp dân sự về quyền điều hành, quyền sở hữu tài sản tại công ty Trung Nguyên trong nội bộ gia đình giữa vợ chồng ông Vũ và bà Thảo. Do đó, bà Thảo có quyền gửi đơn tới tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Xuân Duy - Phạm Nguyễn