1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Lạng Sơn:

Ba công an bị tố trấn tiền gái mại dâm phản cung

Hầu toà ngày 19-3, các bị cáo nguyên là công an TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, đòi phải có mặt đủ các bị hại để “đối chứng” việc bị tố trấn lột tiền gái mại dâm. Họ cũng kêu oan và phản cung.

Ba bị cáo từng là công an hầu toà.
Ba bị cáo từng là công an hầu toà.

Phản cung

Khi HĐXX thống nhất tiến hành làm viêc, ba bị cáo liền phản cung, cho rằng bị cơ quan điều tra “lừa vào tròng”, gán tội, đề nghị thanh tra chính phủ vào cuộc, minh oan.

Trước đó, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng, quy kết các bị cáo Ngụy Văn Hùng (SN 1982), Hoàng Văn Trường (SN 1988), Triệu Văn Hiếu (SN 1984), đều là cán bộ công an TP Lạng Sơn, từ cuối tháng 3 đến ngày 28/4/2012, sử dụng, sai khiến Hứa Viết Tú (có một tiền án, là đối tượng quản lý của công an TP), hai lần lừa gái mại dâm đến khách sạn để bắt quả tang, sau đó đe doạ, cưỡng đoạt tiền và vàng; một lần trấn lột 4 triệu của đám bạc ngoại tỉnh, tại bến xe phía Bắc Lạng Sơn.

Bị cáo Hùng, Trường, Hiếu ra toà, liên tục đòi hỏi tất cả bị hại phải có mặt để “đối chất” và kêu oan. Họ cho rằng bị chính “đồng đội” của mình là Phòng cảnh sát Hình sự, công an tỉnh gán tội.

Khi được nghe các bản khai, tự khai tại cơ quan điều tra, họ cho rằng, do các điều tra viên đọc cho viết, sau đó ký vào biên bản.

Bị cáo Hùng trình bày, khi viết “bản đầu thú”, nhận tội, chỉ nghĩ “giúp công an” sớm kết thúc điều tra vụ án khác(?). Tuy thế, các bị cáo này đều xác nhận đã đến ba địa điểm mà cáo trạng đã nêu, “vô tình” gặp những người bị hại kể trên.

Khi HĐXX công bố những lời khai tại cơ quan điều tra, hoặc gặp “câu hỏi khó”, ba bị cáo đều “không biết, không nhớ”.

Bị hại tại tòa.
Bị hại tại tòa.

Khai nhận

Bị cáo Tú khai nhận, quen biết Hùng từ năm 2009, nên khi được cán bộ này gọi điện đến gặp và “nhờ giúp anh một vụ mại dâm, để báo cáo lãnh đạo”, đã đồng ý.

Theo sắp xếp, Tú đến nhà nghỉ Kim Liên (đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn), nhận phòng 304. Sau đó, nhóm công an đến bắt quả tang và “ra giá” 30 triệu đồng.

Sau một hồi mặc cả, cô Ng bị bắt quả tang, buộc phải móc trong túi 500 ngàn đồng, tháo một chiếc nhẫn tròn, một dây chuyền (tổng cộng 2 chỉ vàng), đưa cho Trường.

Sau khi gọi được cho người thân, Ng vay thêm được 2 triệu đồng. Biết địa điểm giao nhận số tiền này ở dốc Mì Sợi, đích thân anh Trường đi lấy về - Bị cáo Tú nói.

Lần thứ hai, ngày 21/4/2012, Trường tiếp tục đặt vấn đề với Tú là “làm thêm một vụ mại dâm”. Sau khi bắt quả tang Tú với cô Vy Thị N “quan hệ bất chính”, Trường và Hiếu “đặt giá” 10 triệu, nhưng N chỉ có 2,7 triệu.

Họ chỉ vào chiếc nhẫn tròn đang đeo trên tay của N, buộc cô này phải nộp nốt. Theo Tú trình bày, khi ra khỏi khách sạn, N xin anh ta ít tiền để đi taxi về nhà.

Bị cáo Tú còn thừa nhận diễn biến cưỡng đoạt tiền vụ “bắt bạc” ở bến xe phía Bắc Lạng Sơn như cáo trạng quy kết là đúng sự thật. Ngoài số tiền 4 triệu, Trường còn vơ nốt 120 ngàn đồng trên bàn bạc, làm các con bạc là lái xe đường dài tuyến Bắc - Nam, sạch túi.

Sau mỗi lần “giúp” công an, Tú đều được trả công. Tại lần bắt mại dâm ở nhà nghỉ Thuỳ Liên, sau khi cưỡng đoạt 2 chỉ vàng, các công an nhờ Tú đi bán cho một tiệm vàng trên đường Trần Đăng Ninh, trung tâm TP Lạng Sơn được hơn bảy triệu đồng. Đợt này, Tú được chia “đậm” nhất (1,3 triệu đồng - PV).

Nhân chứng

Tại phiên toà, người bị hại là chị Vy Thị N, nhiều nhân chứng là bảo vệ tại bến xe phía Bắc, khách sạn Sao Mai, đều khai nhận việc công an đến “bắt mại dâm”, “bắt bạc” là đúng và nhận dạng được các bị cáo ngay tại toà.

Công tố viên cũng khẳng định, các bị cáo đã liên lạc với nhau hàng chục lần, bàn chuyện gây án bằng điện thoại di động.

Phiên toà làm việc đến gần 19 giờ, mới tạm nghỉ. Ngày 20-3, toà tiếp tục với phần tranh tụng và tuyên án.

Theo Nhóm phóng viên
Tiền phong