1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tuyên Quang:

5 thanh niên “đội đơn” lên Viện kiểm sát tối cao kêu oan

(Dân trí) - Cơ quan VKSND Tối cao tại Hà Nội vừa tiếp nhận, thụ lý nội dung đơn kêu oan của 5 thanh niên đến từ tỉnh Tuyên Quang bị truy tố tội giết người. Những người này cũng đã lên tiếng tố cáo từng bị ép cung, dùng nhục hình trong thời gian họ bị bắt tạm giam.

Trong đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, 5 thanh niên gồm: Bàn Văn Thái (SN 1974), Bàn Văn Tiếp (1986), Đặng Văn Quang (1984), Đặng Văn Tuyên (1995) cùng trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và Đặng Việt Sơn (1992), trú tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bị Cơ quan điều tra, tố tụng tỉnh Tuyên Quang truy tố tội “giết người” đối với Đăng Văn Cường, trú tại thôn 6, xã Bằng Cốc - Hàm Yên - Tuyên Quang, bị tử vong vào lúc 2h ngày 16/7/2012.

Ngay sau khi vào cuộc điều tra vụ án mạng, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Yên đã tiến hành việc bắt tạm giam cả 5 thanh niên nói trên, dựa vào một lá đơn tố cáo nặc danh được công dân gửi đến hòm thư tố giác tội phạm của Công an huyện Hàm Yên.

5 thanh niên “đội đơn” lên Viện kiểm sát tối cao kêu oan
Xác nhận tiếp nhận nội dung tố cáo liên quan đến vụ 5 thanh niên nghi oan tại tỉnh Tuyên Quang của VKSND Tối cao.

Theo đó, cả 5 thanh niên trên đã bị bắt tạm giam từ tháng 9/2012, đến ngày 11/3/2015 thì được tạm tha tại ngoại, do phía gia đình bị hại (vợ nạn nhân Đặng Văn Cường) có đơn yêu cầu không xem xét hình sự đối với 5 bị can. Cơ quan CSĐT đã ra quyết định đình chỉ tạm thời vụ án, thay đổi biện pháp ngăn chặn, thay đổi tội danh truy tố từ vụ án “giết người” thành vụ án “cố ý gây thương tích”.

Đáng chú ý trước đó, trong quá trình thụ lý xét xử vụ án, đã 14 lần 5 bị cáo liên quan đến vụ án “giết người” bị đưa ra xét xử công khai. Tuy nhiên, cả 14 lần các bị cáo đều đồng loạt kêu oan, bởi họ không thực hiện hành vi giết người đối với Đặng Văn Cường.

Cũng tại các phiên toà, các bị cáo đã công khai tố cáo việc họ bị các điều tra viên bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành việc hỏi cung đối với cả 5 người.

Quá trình làm rõ tại các phiên toà, HĐXX đã phải tuyên dời và hoãn phiên xét xử đến 6 lần. Và có đến 8 lần, HĐXX đã tuyên trả lại hồ sơ vụ án để yêu cầu điều tra bổ sung các tình tiết chưa rõ liên quan đến vụ án.

Ngay sau khi được tại ngoại, cả 5 thanh niên: Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên và Đặng Việt Sơn đã có đơn kêu oan và đơn tố cáo bị ép cung, nhục hình đối với họ trong quá trình hỏi cung trong thời gian họ bị cơ quan điều tra bắt tạm giam.

Mới đây nhất, cả 5 thanh niên liên quan đến vụ án đã về Hà Nội, tìm đến cơ quan Viện kiểm sát nhân dân Tối cao để nộp đơn kêu oan, tố cáo hành vi bức cung, nhục hình của các điều tra viên. Cơ quan VKSND Tối cao đã tiếp nhận và xác nhận nội dung kêu cứu của họ vào sổ tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo công dân.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 2h sáng 16/7, anh Đặng Văn Cường (ở Hàm Yên, Tuyên Quang) chết tại nhà. Trước đó, đêm 14/7/2012, chị Bàn Thị Xanh (vợ Cường) thấy chồng ra khỏi nhà. Chiều hôm sau, anh Cường về nhà. Chị Xanh hỏi đi đâu về. Anh Cường trả lời là đánh nhau. Đến 2h sáng, chị Xanh phát hiện chồng đã tử vong.

Hai tháng sau, cơ quan CSĐT dựa vào lá đơn tố giác nặc danh và tiến hành bắt tạm giam 5 người gồm: Đặng Việt Sơn, 2 bố con Bàn Văn Thái và Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên.

Đơn kêu cứu cho rằng, Công an huyện Hàm Yên đã vi phạm tố tụng khi bắt giữ người không có lệnh, lấy lời khai vào ban đêm. Điều quan trọng là hồ sơ vụ án có những tình tiết rất vô lý. Theo các bị cáo thì cáo trạng và kết luận vụ án đã được cơ quan tố tụng ở tỉnh Tuyên Quang tự dựng lên mà không hề có thật!?.

Quay trở lại với bản cáo trạng vụ án, đêm 14/7, Đặng Văn Tuyên cùng bạn sang Yên Bái chơi nhà Đặng Việt Sơn. Ở đây, Tuyên xô xát với một nhóm thanh niên làng. Sau đó, Tuyên cùng 4 người đã tụ tập để trả thù người đã đánh mình.

Đêm hôm đó, sau khi chờ đợi, cả bọn phát hiện có người đi tới. Nghĩ đây là nhóm người đánh Tuyên, Bàn Văn Thái lao ra dùng gậy vụt vào đầu người đó; Quang, Tiếp, Sơn, Tuyên cũng lao vào đánh đấm làm người này ngã xuống đất, không cử động. Quang soi và phát hiện đó là Đặng Văn Cường cùng thôn. Rồi cả bọn đem anh Cường lên đồi giấu.

5 thanh niên “đội đơn” lên Viện kiểm sát tối cao kêu oan
Hình ảnh 5 thanh niên trong buổi thực nghiệm hiện trường liên quan đến vụ giết người xẩy ra tại huyện Hàm Yên - Tuyên Quang năm 2012. (Ảnh do Luật sư Nguyễn Văn Hưng cung cấp).

Lên đồi, cả bọn bàn cách làm cho anh Cường chết hẳn. Các đối tượng đã đi tìm thuốc trừ sâu rồi banh miệng Cường ra đổ vào. Thái còn cầm dao Quang cắt vào cổ tay Cường. Mục đích của việc này là để mọi người tưởng Cường tự tử. 

Cũng trong đơn kêu oan, cả 5 người nghi oan đã cho rằng, điều vô lý là từ đêm 14/7 đến tận 17h chiều 15/7 (gần một ngày trôi qua), Cường đang nằm trên đồi, bị đầu độc, cắt cổ tay, bỗng dưng tỉnh dậy và đi về nhà như không có chuyện gì xảy ra.

“Một người đã bị hại như vậy, sao có thể hồi phục để mà làm các việc đó? Mà nếu còn sức để tỉnh dậy, tại sao Cường không về từ sáng mà phải đến chiều tối mới trở về?” - Đơn kêu cứu của Bàn Văn Thái viết.

Mặt khác, cơ quan công an kết luận tối 14/7/2012, Đặng Văn Quang cùng 2 con nhỏ ăn cơm ở nhà chị ruột là Đặng Thị Hiên. Nhưng nhiều người làm chứng khẳng định, đó là tối 15/7/2012.

Trao đổi với PV Dân trí, cả 5 thanh niên gồm: Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên và Đặng Việt Sơn khẳng định, cả 5 người họ đều không trực tiếp hay gián tiếp gây nên cái chết của nạn nhân Cường.

“Việc nhận tội bước đầu tại cơ quan điều tra làm do chúng tôi bị đe doạ, bị các điều tra viên đánh đập bức cung nên chúng tôi mới nhận tội. Khi ra đến toà, chúng tôi đã nói ra sự thật là chúng tôi không giết người và yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ để trả lại tự do cũng như danh dự chúng tôi bị chà xát với những ngày lao tù tủi nhục” - cả 5 thanh niên nghi oan trần tình.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng ( Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc) - người bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho 5 thanh niên cho rằng, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, cơ quan CSĐT đã cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án gây oan sai đối với 5 người vô tội trong vụ án Đặng Văn Cường.

5 thanh niên “đội đơn” lên Viện kiểm sát tối cao kêu oan
Cả 5 thanh niên đều khẳng định không trực tiếp hay gián tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân Đặng Văn Cường.

Theo phân tích của luật sư Hưng, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đầu tiên chính là việc cơ quan CSĐT CA huyện Hàm Yên đã lợi dụng chức trách kiểm tra, xác minh nguồn tin tố giác tội phạm của mình để bắt giữ người trái pháp luật, lấy lời khai vào ban đêm. Đây là bước đầu tiên tạo ra một loạt các sai phạm sau này của quá trình điều tra, truy tố oan sai đối với 5 thanh niên liên quan đến vụ án.

Luật sư Hưng cũng đã chỉ ra việc giam giữ trái pháp luật 5 người này trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến hết ngày 15/9/2012 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Yên là có thật. Điều đó được thể hiện trong hồ sơ vụ án và rất nhiều Biên bản ghi lời khai, Bản tường trình, Bản tự khai của cả 5 bị cáo được thực hiện vào ngày 13, 14 và 15/9/2012.

Luật sư Hưng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ các tình tiết không khách quan trong vụ án như: toàn bộ các vật chứng được xác định trong hồ sơ vụ án đều do Bàn Thị Xanh (vợ nạn nhân Cường) cung cấp. Cụ thể, cần làm rõ việc: “con dao có dính máu công an thu tại gia đình cô Xanh là vật chứng đặc biệt quan trọng để xác định dấu vết nạn nhân Cường bị đánh ở trên trán và sau gáy, mà công an lại trả lại cho Xanh?”

Luật sư cũng yêu cầu làm rõ các nghi vấn: “trước thời điểm Cường chết, Xanh đã có mâu thuẫn với Cường nên Xanh đã uống thuốc sâu để tự vẫn mà không chết. Cùng việc, Cường đã từng ấn đầu bố đẻ là ông Đặng Văn Tăng xuống nền nhà để đánh ông Tăng chảy máu từ miệng. Sau đó, Cường bỏ nhà ra đi, chỉ quay trở về nhà ngày 14/7/2012, khi mẹ vợ (bà Nguyên) tổ chức đám cưới cho con gái. Và đến 2 ngày sau (16/7/2012), Cường được phát hiện tử vong?”.

Trao đổi trực tiếp với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Sâm - Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang khẳng định, đã tiếp nhận những nội dung phản ánh liên quan đến đơn kêu oan của 5 thanh niên trong vụ án “giết người” xẩy ra tại xã Bằng Cốc (Hàm Yên) năm 2012.

“Chúng tôi đang tiếp tục họp bàn với VKSND tỉnh Tuyên Quang và đại diện các cơ quan liên quan để xem xét cụ thể sự việc. Vì bản thân tôi vừa mới được bổ nhiệm cương vị Giám đốc Công an tỉnh, sau khi chính thức bàn giao, tôi sẽ cho tiến hành ngay việc kiểm tra, rà soát lại sự việc một cách cụ thể, khi có kết quả sẽ thông báo đến các cơ quan báo chí để thông tin” - Đại tá Sâm cho biết.

                                                      Quốc Đô