1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ cho doanh nghiệp vay sai mục đích gần 800 tỷ:

2 cán bộ của Công ty Phương Nam chia nhau 26 năm tù

(Dân trí) - Sau hơn 10 ngày xét xử, HĐXX TAND tỉnh Sóc Trăng vừa tuyên án đối với 2 cán bộ của Công ty Phương Nam và 25 cán bộ ngân hàng liên quan đến vụ án cho doanh nghiệp vay sai mục đích gần 800 tỷ đồng.

Theo đó, HĐXX TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt bị cáo Lâm Minh Mẫn (nguyên Kế toán trưởng Công ty Phương Nam) 14 năm tù giam; bị cáo Trịnh Thị Hồng Phượng (nguyên Phó Giám đốc Công ty Phương Nam) 12 năm tù giam cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên 2 bị cáo Mẫn và Phượng cùng chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả làm thất thoát trên 780 triệu đồng do lừa đảo các ngân hàng.

Đối với 25 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của 5 ngân hàng có chi nhánh ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, HĐXX đã tuyên phạt mức án từ 2- 7 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức chức tín dụng”.

Bị cáo Lâm Minh Mẫn- nguyên Kế toán trưởng Công ty Phương Nam chịu mức án cao nhất là 14 năm tù.
Bị cáo Lâm Minh Mẫn- nguyên Kế toán trưởng Công ty Phương Nam chịu mức án cao nhất là 14 năm tù.

Theo cáo trạng, năm 1998, Công ty TNHH Phương Nam (có trụ sở tại phường 7, TP Sóc Trăng) được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề thu mua chế biến tôm xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và mua bán thức ăn tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm. Đến năm 2010, Công ty được cấp đăng ký kinh doanh thành Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Trong đó, ông Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty; bà Lâm Ngọc Hân (con gái ông Khuân) làm Phó Giám đốc; Trịnh Thị Hồng Phượng làm Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh; Lâm Minh Mẫn làm Kế toán trưởng…

Từ năm 2008 đến 30/9/2012, Công ty Phương Nam nợ các tổ chức tín dụng với số tiền rất lớn, dư nợ từ năm trước chuyển sang năm sau ngày càng cao. Trong quá trình kinh doanh, Công ty Phương Nam luôn thua lỗ. Trong khoảng thời gian từ 2008 đến cuối tháng 9/2012, công ty lỗ gần 1.000 tỷ đồng.

Để các ngân hàng cho Công ty Phương Nam vay vốn, Lâm Ngọc Khuân, Lâm Ngọc Hân, Lâm Minh Mẫn, Trịnh Thị Hồng Phượng đã có hành vi gian dối trong việc lập 19 báo cáo tài chính về kết quả kinh doanh hàng năm đều có lãi gửi các ngân hàng vay vốn nhưng thực tế kết quả kinh doanh đều lỗ; gian dối trong việc thế chấp tài sản là hàng tồn kho là tôm đông lạnh vay vốn ngân hàng; dùng một tài sản là hàng tồn kho thế chấp nhiều ngân hàng vay vốn; gian dối trong việc cung cấp các báo cáo, số liệu về tình hình sản xuất kinh doanh và hàng tồn kho khi cán bộ ngân hàng xuống kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhằm che giấu việc sử dụng vốn sai mục đích để chiếm đoạt số tiền trên 784,8 tỷ đồng của 5 ngân hàng.

Trong đó, Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân có vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo Lâm Minh Mẫn và Trịnh Thị Ngọc Phượng thực hiện các hành vi trên để chiếm đoạt số tiền hơn 784,8 tỷ đồng.

Viện kiểm sát xác định, Lâm Minh Mẫn là Kế toán trưởng Công ty Phương Nam, biết Công ty kinh doanh thua lỗ từ năm 2008, biết việc làm của Lâm Ngọc Khuân là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo của Khuân lập các báo cáo tài chính khống và lập các hồ sơ gian dối để vay vốn. Còn Trịnh Thị Ngọc Phượng là Phó Giám đốc Công ty Phương Nam, biết Công ty kinh doanh thua lỗ từ năm 2010 và hàng hóa tồn kho của Công ty thực tế đã thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng để vay vốn nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Lâm Ngọc Khuân.

Hành vi của Lâm Minh Mẫn và Trịnh Thị Ngọc Phượng đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại khoản 4, điều 139 BLHS với vai trò đồng phạm giúp sức. Việc truy tố Mẫn và Phượng là đúng người đúng tội. Riêng Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân sau khi phạm tội đã bỏ trốn, hiện CQĐT đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ điều tra xử lý.

Theo Viện kiểm sát, căn cứ tài liệu điều tra tại 5 ngân hàng, có cơ sở xác định hành vi vi phạm quy định về cho vay của các cán bộ ngân hàng trong thẩm định hồ sơ vay vốn, thẩm định tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, quản lý tài sản là hàng tồn kho để thế chấp cho ngân hàng, giải ngân và kiểm tra sau giải ngân không đúng đã vi phạm khoản 3, điều 94 Luật các tổ chức tín dụng…. dẫn đến hậu quả cho 5 ngân hàng không thu hồi được số tiền trên 825,5 tỷ đồng.

Hành vi của 25 cán bộ ngân hàng nói trên đã phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức chức tín dụng, quy định tại khoản 3, điều 179 BLHS. Trong đó, các Giám đốc, Phó Giám đốc là những người chịu trách nhiệm chính.

Vụ án liên quan đến Công ty Phương Nam là 1 trong "10 đại án" được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý.

Huỳnh Hải

(huynhnhathai@dantri.com.vn)