Xe kéo hồn nhiên đi ngược chiều trên đường phố Hà Nội, suýt lao vào ô tô

Nhật Minh

(Dân trí) - Không chỉ đi ngược chiều, chiếc xe máy kéo theo xe cải tiến kềnh càng còn tạt sang đường, gây nguy hiểm cho những người đang đi đúng chiều.

Sự việc diễn ra vào sáng 29/5 trên đường Trịnh Văn Bô, đoạn gần khu công nghiệp Từ Liêm (Hà Nội).

Theo đó, vào thời điểm đèn tín hiệu giao thông vừa chuyển sang màu xanh, các xe lần lượt di chuyển qua ngã tư, thì người đàn ông điều khiển xe máy kéo theo xe cải tiến đã hồn nhiên đi ngược chiều chéo sang đường. 

May mắn là tài xế ô tô có camera hành trình đã thận trọng quan sát khi thấy xe phía trước giảm tốc độ nên không xảy ra va chạm với xe máy.

Xe kéo hồn nhiên đi ngược chiều trên đường phố Hà Nội, suýt lao vào ô tô (Video: Minh Đức/OFFB).

"Hình ảnh quá quen thuộc trên đường phố, phần lớn là xe máy cũ nát, đã "hết đát", được cải tiến, tân trang, để chở hàng thuê. Những chiếc xe này thường không gắn biển kiểm soát, chạy rất ẩu, ngang nhiên đi ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Rất mong cơ quan chức năng lưu tâm xử lý triệt để", tài khoản Hoàng Đức bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Ở Hà Nội, khi di chuyển trên các đường như Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Trần Quang Khải, Tam Trinh... và các đường mới mở sẽ thường xuyên gặp xe kéo kiểu này chở hàng cồng kềnh luồn lách, đi ngược chiều rất nguy hiểm", tài khoản Minh Quang bình luận.

"Tôi thấy biện pháp xử phạt hiện nay giống như "bắt cóc bỏ đĩa", không triệt để. Theo tôi, nên thường xuyên tổ chức ra quân theo dõi và xử lý tận gốc là các cơ sở kinh doanh hàng hóa, vật liệu... thuê các xe kéo tự chế kiểu này vận chuyển thì mới dẹp được tình trạng này", tài khoản Huy An nêu ý kiến.

"Vẫn biết phần lớn là vì cuộc sống mưu sinh khó khăn, vất vả, nhưng cũng không thể vin vào lý do đó để vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho người khác. Thực tế là đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm do xe kéo tự chế trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra", tài khoản Phúc Minh bình luận.

Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh.

Về mức phạt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người đi xe máy kéo theo xe khác.

Ngoài ra, người đi xe máy kéo xe khác còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm