Xe điện Mercedes-Benz cháy trơ khung khi đang sạc ở đại lý
(Dân trí) - Sự việc xảy ra vào chiều ngày cuối cùng của năm 2023 ở bang Johor, Malaysia, với nguyên nhân được cho là không xuất phát từ cụm pin.
Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 2h45 chiều 31/12/2023 tại trạm sạc pin ở bên ngoài một đại lý ở bang Johor, Malaysia. 10 lính cứu hỏa đã tập trung dập lửa thành công.
Ảnh chụp hiện trường cho thấy lửa đã bị dập tắt khi trời còn sáng, chứng tỏ lực lượng cứu hỏa không mất quá nhiều thời gian, điều hiếm gặp trong các vụ cháy xe điện hay được đưa tin, khi phải mất tới 24 tiếng đến dập lửa do cụm pin liên tục tự cháy lại.
Cho đến nay, các vụ cháy xe điện ở Malaysia đều được dập tắt khá nhanh. Vụ cuối cùng trước chiếc Mercedes-Benz MQB này là vụ cháy xe Tesla Model Y ở Puchong vào tháng 10/2023. Đến giờ vẫn chưa có kết luận điều tra của vụ đó, nên nhiều khả năng vụ cháy xe EQB này cũng sẽ như vậy.
Với việc lửa được dập tắt khá nhanh, người ra cho rằng nguyên nhân không xuất phát từ cụm pin, mà có thể cũng chỉ như các vụ cháy xe động cơ đốt trong thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Lý do là các vụ cháy xe điện liên quan đến cụm pin rất khó dập lửa.
Nhiên liệu cần có oxy để cháy, nên để chữa cháy thì cần giảm nồng độ oxy (bằng N2/CO2/foam) hoặc hạ nhiệt đám cháy (bằng khí FM-200/Novec 1230).
Trong khi đó, cháy pin lithium-ion (loại phổ biến nhất hiện nay ở xe điện) là do phản ứng hóa học, dịch chuyển ion âm-dương bên trong cụm pin, nên không cần oxy vẫn cháy và không thể dập lửa mà chỉ có thể cách li chỗ cháy, ngăn tình trạng cháy lan, chờ kết thúc phản ứng hóa học mới hết cháy.
Trên thế giới đã có một số trường hợp, sau khi lửa tắt, xe điện được đưa về bãi tập kết phế thải mà 3 tuần sau bỗng cháy trở lại. Đó là do hiện tượng thoát nhiệt của pin lithium-ion, không cần tiếp xúc trực tiếp với tia lửa cũng có thể cháy nổ.
Xe điện có dễ cháy hơn xe động cơ đốt trong không?
Nếu xảy ra chập điện hoặc tiếp xúc gần nguồn lửa thì xe điện và xe động cơ đốt trong có nguy cơ cháy như nhau, nhưng khi đề cập tới các vụ cháy xe điện, người ta thường nghĩ ngay tới hai điều. Một là xe điện dễ cháy hơn xe chạy xăng/dầu. Hai là cháy xe điện nguy hiểm hơn.
Tờ The Guardian của Anh đã trao đổi với các chuyên gia và nghiên cứu dữ liệu để đi tìm câu trả lời.
Ông Colin Walker, người đứng đầu bộ phận vận tải tại Cơ quan thông tin khí hậu và năng lượng Anh quốc, cho biết: "Tất cả dữ liệu đều cho thấy xe điện có ít khả năng bốc cháy hơn nhiều so với loại xăng tương đương. Rất nhiều vụ cháy xe chạy xăng hoặc diesel không được báo cáo".
The Guardian đã tổng hợp dữ liệu của một số quốc gia, bao gồm Na Uy (quốc gia có tỷ lệ sử dụng ô tô điện cao nhất thế giới), Australia và từ các xe Tesla trên toàn cầu. Kết quả cho thấy, xe điện có khả năng bắt lửa thấp hơn nhiều so với xe chạy bằng xăng/dầu.
Tại Na Uy, số vụ cháy xe động cơ đốt trong cao hơn 4-5 lần so với xe điện, theo số liệu của Tổng cục An sinh xã hội và tình trạng khẩn cấp.
Cơ quan xử lý các tình huống dân sự Thụy Điển ghi nhận có 3,8 vụ cháy trên 100.000 xe điện hoặc xe hybrid trong năm 2022, so với 68 vụ cháy trên 100.000 ô tô nói chung. Tuy nhiên, những số liệu sau bao gồm cả hành vi đốt phá, khiến việc so sánh trở nên khó khăn.
Bộ Quốc phòng Australia đã tài trợ cho công ty EV FireSafe để nghiên cứu vấn đề này và ghi nhận nguy cơ cháy ở xe điện là 0,0012%, còn ở xe xăng là 0,1%.
Trong khi đó, Tesla cho biết số vụ cháy trên đường ở Mỹ liên quan đến xe Tesla từ năm 2012 đến năm 2021 thấp hơn 11 lần trên mỗi dặm so với con số của tất cả ô tô nói chung, mà phần lớn trong số đó là xe chạy xăng hoặc diesel.
Câu hỏi đặt ra tại sao các vụ cháy xe điện lại được đưa tin thường xuyên hơn nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong? Vì ô tô điện vẫn là sản phẩm vẫn còn khá mới mẻ, vì nhiều người phản đối việc điện khí hóa nói chung, và vì các vụ cháy xe điện có xu hướng thu hút sự chú ý hơn.