Cháy lớn tại sân bay Luton ở Anh do một chiếc ô tô

Phạm Trung Đức Nhật Minh

(Dân trí) - Và đó không phải là xe điện như không ít người đã nghi ngờ ngay sau khi nghe thông tin về vụ cháy.

Vụ cháy xảy ra vào tối 10/10 (theo giờ địa phương) đã khiến tất cả các chuyến bay vào cuối ngày tại sân bay Luton ở thủ đô London của Anh bị đình chỉ. Nguyên nhân được xác định là do đám cháy bùng phát trên một chiếc ô tô nằm trong bãi đỗ xe ở sân bay.

Cháy lớn tại sân bay Luton ở Anh do một chiếc ô tô - 1

Hình ảnh hiện trường vụ cháy bãi để xe trong sân bay Luton ở Anh (Ảnh: LNP).

Theo trang Daily Mail, lực lượng cứu hỏa cho biết, các nhân viên điều tra tin rằng vụ cháy bắt nguồn từ phần mui của một chiếc Range Rover động cơ diesel, chứ không phải ô tô điện. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lỗi hệ thống điện hoặc rò rỉ ống dẫn nhiên liệu.

Nhiệt độ ở khu vực xảy ra cháy đã lên tới hơn 600 độ C, phá hủy tòa nhà để xe. 5 người bị thương được đưa tới bệnh viện cấp cứu và đã xuất viện vào sáng hôm sau.

Vụ cháy đã làm hư hỏng khoảng 1.500 phương tiện trong bãi đậu xe.

Cháy lớn tại sân bay Luton ở Anh do một chiếc ô tô - 2

Lửa được xác định bắt nguồn từ phần đầu chiếc Range Rover (Ảnh: Cắt từ clip).

Vụ cháy ở sân bay Luton vừa qua xảy ra 6 năm sau vụ một chiếc Land Rover gây ra vụ cháy kinh hoàng ở bãi đậu xe gần sân vận động Echo Arena của thành phố Liverpool, khiến khoảng 1.600 xe bị thiêu rụi.

Nhiệt độ của đám cháy khi đó lên tới 1.000 độ C, đủ để nung chảy nhôm và phá hủy hoàn toàn 7 tầng nhà để xe. 

Năm ngoái, Sami Webster - một bà mẹ hai con - cho biết cô đã phải thoát ra khỏi xe qua cửa sổ khi chiếc Range Rover của cô phát nổ. Cô bị mắt kẹt bên trong xe, không thể mở khóa, trong khi khói bắt đầu len lỏi vào cabin thông qua táp-lô. 

Trở lại với vụ cháy vào đêm 10/10 vừa qua, khoảng 100 lính cứu hỏa đã mất 12 giờ để chiến đấu với ngọn lửa bao trùm bãi đỗ xe ở sân bay Luton.

Cháy lớn tại sân bay Luton ở Anh do một chiếc ô tô - 3

Lửa đã thiêu rụi tòa nhà để xe; lực lượng chức năng phải dựng ram dốc tạm thời để di chuyển các xe không bị ảnh hưởng bởi đám cháy (Ảnh: AFP).

Cô Webster cho biết đã nhận được thư từ Range Rover vào đầu tháng 4 năm ngoái, nói rằng xe của cô nằm trong đợt triệu hồi vào ngày 13/4/2022 nhưng họ chưa khớp được lịch nên việc triệu hồi được lùi tới ngày 28/4/2022. 

Sự cố xảy ra chỉ vài ngày trước khi đến lịch triệu hồi xe, nhưng đại lý Range Rover Bolton đã nhanh chóng thông báo với cô rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm về vụ cháy đó. Việc triệu hồi xe liên quan đến phần mềm quản lý động cơ, hệ thống lái và khí thải. 

Một vụ cháy xe Range Rover khác là trường hợp của Lauren Griffiths, 37 tuổi, vào năm ngoái, khi cô đang lái chiếc Velar từ chỗ làm về nhà thì xe bỗng nhiên "hụt hơi". Cô chỉ vừa dừng xe thì lửa bùng lên làm cháy cả nhà cô lẫn một số nhà hàng xóm. May mắn là cô đã kịp thoát ra ngoài.

Cô đã mua chiếc xe này được 3 năm và Land Rover cho biết sẽ không chịu trách nhiệm gì về vụ cháy vì xe đã hết hạn bảo hành 2 tháng.

Tại Việt Nam cũng từng xảy ra một số vụ cháy xe tương tự. Cụ thể, hồi tháng 3/2021, một chiếc xe Range Rover màu đen của khách hàng gửi tại bãi xe tầng hầm B1 đang bốc khói kèm theo lửa. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống điện của xe bị chập.

Chiều 30/4/2022, một chiếc ô tô hiệu Range Rover lưu thông trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, khi đến địa phận xã An Phước, huyện Long Thành thì tài xế phát hiện lửa khói bùng lên phía trước đầu xe.

Nhiều tài xế đang di chuyển trên đường cao tốc đã dừng xe hỗ trợ dập lửa nhưng bất thành; đám cháy nhanh chóng lan rộng, bao trùm toàn bộ thân xe. 

Gần đây nhất, vào tối 26/7, một chiếc Range Rover đang lưu thông trên đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đến đoạn qua địa phận thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) thì bất ngờ bốc cháy dữ dội.