Xe đạp nội: Cuộc đối đầu không cân sức với hàng ngoại

Trước việc xe đạp ngoại ồ ạt tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cho rằng việc liên kết, hợp tác công nghệ là một giải pháp duy nhất để giữ vững thị trường.

Liên kết để giữ thương hiệu

Là một trong những doanh nghiệp của Việt Nam có truyền thống thương hiệu hơn 50 năm, xe đạp Thống Nhất đã trải qua nhiều khó khăn khi xe đạp không còn được coi là một tài sản có giá trị, thị phần ngày càng giảm sút. Mặc dù vẫn là cái tên nổi trong làng xe đạp nhưng so với hàng ngoại thì vẫn có khoảng cách lớn.

Ở giai đoạn những năm 60-70, xe đạp được coi là tài sản, là phương tiện đi lại duy nhất của đại đa số người dân. Thời đó, tên Xe đạp Thống Nhất là niềm mơ ước của nhiều người, thậm chí còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước.


Các hãng xe ngoại không chỉ mẫu mã đẹp mà còn có nhiều phụ kiện đi kèm

Các hãng xe ngoại không chỉ mẫu mã đẹp mà còn có nhiều phụ kiện đi kèm

Ông Nguyễn Hữu Sơn - Phó chủ tịch hiệp hội Ô tô, Xe Máy, Xe đạp Việt Nam đồng thời là chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất, chia sẻ, mặc dù là một trong những đơn vị có thương hiệu lâu đời song tới nay, xe đạp Thống Nhất không có nhiều lợi thế tại thị trường Việt Nam.

Ông Sơn cho rằng, tâm lý người tiêu dùng sính ngoại chính là lý do khiến các nhà sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh. Ông Sơn dẫn chứng, một sản phẩm xe trong nước để tên tiếng Việt ít khi được người mua quan tâm, chính vì thế họ phải đặt tên bằng tiếng nước ngoài.

Theo ông Sơn, Thống Nhất giờ chỉ sản xuất được một số phụ tùng dẫn tới tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm không cao. Một số phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thậm chí, hãng chọn phân phối các thương hiệu xe đạp nổi tiếng nước ngoài để tồn tại trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Ngoài ra, công ty sản xuất xe đạp theo đơn hàng của các thương hiệu khác. Bản thân Thống Nhất cũng đang là đơn vị phân phối xe thể thao của một nhà sản xuất nước ngoài.

Với hiện trạng ngành công nghiệp xe đạp Việt Nam, Thống Nhất đặt mục tiêu tồn tại và phát triển, chấp nhận liên kết và hợp tác với các doanh nghiệp và thương hiệu xe đạp nước ngoài. Ông Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ: “Đối với chúng tôi, không có khó khăn lớn nhất, bởi điều gì khó là chúng tôi bỏ”.

Phong phú xe đạp ngoại

Hiện tại, trên thị trường Việt Nam, xe đạp, xe đạp điện xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới 80% thị phần, với kiểu dáng, màu sắc đa dạng. Các thương hiệu xe đạp như Giant, Merida, Wiel, Peugeot, Missile, HK Bike, Newway, Momemtum,... cũng bắt đầu có mặt tại thị trường Việt Nam.


Xe đạp thể thao đang chiếm lĩnh thị phần

Xe đạp thể thao đang chiếm lĩnh thị phần

Ở phân khúc người có thu nhập cao, hiện có mốt chơi xe với các dòng cao cấp, nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ (Trek), Pháp (Specialized S), Đức (Mecedes Benz), Nhật Bản, Đài Loan (Giant, Merida, Momemtium),... Thương hiệu xe đạp nổi tiếng Peugeot cũng chính thức có mặt tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều thương hiệu xe đạp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, thậm chí, sẽ có một vài dự án lớn đầu tư xây dựng thương hiệu - mạng lưới phân phối khắp các tỉnh thành Việt Nam. Xe đạp ngoại nhập mẫu mã đẹp, phần lớn là dòng xe thể thao được người mua ưu chuộng, về giá thành có những xe lên tới hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ vậy, các hãng sản xuất cũng chiếm lĩnh thị trường bằng việc tung ra thị trường các sản phẩm linh kiện, phụ kiện thay thế, đồ chơi xe đạp; các thiết bị đi kèm khác như đèn, đồng hồ đo nhịp tim/tốc độ, mũ bảo hiểm, găng tay, hộp đồ chuyên dụng với mức giá lên tới hàng triệu đồng/sản phẩm.

Trong những năm gần đây, xe đạp ngày càng được ưu chuộng. Ngay từ năm 2007, Bộ Công Thương đã có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp xe hai bánh tại Việt Nam giai đoạn 2006-2015.

Với việc xe đạp quay trở lại thị trường, ông Sơn chia sẻ “Tôi vẫn luôn ước mơ đến một ngày, những chiếc xe đạp Thống Nhất sẽ lại ngược xuôi trên các đường phố Hà Nội và những con đường ở Việt Nam, để Hà Nội và nhiều nơi sẽ xanh hơn, sạch hơn và bình yên hơn”.

Theo D.Anh

Vef