Xe cháy, tại sao?
(Dân trí) - Liên tiếp trong mấy ngày qua tại Hà Nội đã có 2 xe ô tô tự nhiên bốc cháy khi đang lưu thông trên đuờng. Nguyên nhân nào dẫn đến tai nạn này? Chúng ta hãy cùng xem xét một vấn đề - có thể chưa đúng với những trường hợp cháy vừa qua - nhưng lại có thể là căn nguyên hậu hoạ giáng xuống chiếc xe của chính bạn một lúc nào đó.
Cháy hình thành do 3 yếu tố: chất cháy, nguồn nhiệt, oxy. Chắc hẳn bạn cũng sẽ không bất ngờ khi thấy rằng cả 3 yếu tố này đều có đủ trong xe, chất cháy: đệm, da, nhựa, xăng... nguồn nhiệt: họng xả, các mối tiếp xúc điện, dây cao áp... khỏi cần nói tới oxy vì oxy ở trong không khí. Vậy tại sao không xảy ra cháy? Đơn giản là sự cháy chỉ hình thành khi cả 3 yếu tố đó gặp nhau.
Khi thiết kế một chiếc xe ô tô thông thường tất cả mọi vấn đề đều đã được tính đến. Họng xả sinh nhiệt cực cao nên sẽ không có bất kỳ chi tiết nào dễ cháy ở gần nó, các đường dẫn ống xả được bao bằng các vật liệu chống cháy, hệ thống điện cao áp có các chụp cao su để ngăn chặn tia lửa điện phóng ra ngoài, các mối tiếp xúc của hệ thống điện đều được cách ly bằng các jack cắm bọc nhựa hoặc hộp kỹ thuật. Hơn nữa, hệ thống điện xe ô tô còn có cả hộp cầu chì phòng khi xảy ra đoản mạch. Hệ thống nhiên liệu thì khỏi bàn, luôn được cách ly rất xa các chi tiết sinh nhiệt.
Tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng. Vậy mà vẫn cháy!
Nguyên do? Rất nhiều, nhưng có thể là chính bạn, trực tiếp hay gián tiếp, đã làm sai lệch đi thiết kế của nhà sản xuất nên ba yếu tố hình thành lên sự cháy đã gặp nhau. Và cháy.
Nguyên nhân cháy xe thường xảy ra nhất là do hệ thống điện. Với hệ thống điện, kể cả với những chiếc xe mới, ô tô hay xe máy, chúng ta thường rất “hồn nhiên” sửa đổi công năng của chúng mà không hề biết rằng đây thật sự là một mối nguy tiềm ẩn. Còn nhớ, cách đây không lâu, thời kỳ đèn xe-non vẫn còn có mức giá “trên trời”, những chủ nhân “khôn ngoan” thay vì bỏ ra trên 500 đô la cho bộ đèn xe-non đã lựa chọn loại đèn “siêu sáng” của Trung Quốc có giá chỉ duới 100 ngàn đồng. Ánh sáng lung linh, mê hoặc của đèn “xe-non Tàu” đã làm không ít người quên mất rằng họ đã tự rước hoạ vào thân. Đèn xe-non cho ánh sáng tốt hơn, nhưng thường có công suất tương đương hoặc thấp hơn so với loại đèn halogen theo xe. Đèn “siêu sáng” xuất xứ từ Trung Quốc thực chất vẫn là đèn halogen nhưng công suất rất lớn, có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi đèn theo xe.
Đây là vấn đề. Khi nhà sản xuất đã trang bị hệ thống đèn có công suất mỗi bóng từ 55W đến 65W (tuỳ xe), hệ thống điện đèn cũng được thiết kế theo công suất này. Các chi tiết liên quan đến đèn và dây dẫn được tính toán sao cho phù hợp với điện áp và công suất của đèn. Khi ta thay một loại đèn có công suất lớn hơn thiết kế, hệ thống điện xe không đủ thông minh để hiểu rằng đấy là ý của chủ nhân, cháy cầu chì. Nhưng người Việt ta thừa thông minh để... thay cầu chì có dòng lớn hơn! Ngặt nỗi, cầu chì sinh ra để cháy khi hữu sự, nay ta không cho nó cháy thì ắt phải có thứ gì khác phải cháy rồi. Cháy dây, cháy đui đèn, cháy jack, cháy tiếp điểm...và tệ hơn nữa là cháy cả xe.
Người viết không có ý rằng tội vạ tất cả là do “cái anh đèn Tàu”, mà chỉ đưa ra một ví dụ để minh chứng rằng chúng ta đang cố tình phá hoại tài sản của...chúng ta mà không hề biết. Không chỉ riêng có đèn, người dùng thường thêm thắt đủ thứ “đồ chơi” vào chiếc xe yêu. Xe máy thì phải lắp còi kêu thật to cho làng xóm sợ. Ô tô thì cái gì cũng phải xài điện nó mới sang. Chợ Trời, phố Huế, phố Nguyễn Công Trứ, đồ “ngon, bổ, rẻ” ê hề, sẵn sàng tiếp sức cho công cuộc...phá xe.
Chuyện không có gì đáng nói nếu như khi lắp thêm một thiết bị gì cho xe mà “khổ chủ tương lai”, anh thợ “tòng phạm” ngồi lại với nhau, tính toán xem phụ tải mà hệ thống điện phải gánh thêm có lớn quá không, cần thiết phải có rơ-le, cầu chì riêng không.
Vâng. Được thế thì quá “Tây”! Cứ lắp đèn thật sáng cho “oách”, âm thanh thật lớn cho lác mắt thiên hạ, còi kêu rõ to cho ra dáng sành điệu... không cần biết phụ tải, rơ-le, cầu chì, là cái “giống gì” cho đến khi... xe cháy.
Nếu như độc giả đủ kiên nhẫn đọc đến những dòng cuối này thì có lẽ cũng đã đến lúc cần phải chạy ra xem lại chiếc xe yêu của mình. Vì, rất có thể, người viết bài đang viết về chiếc xe nhiều “đồ chơi” của bạn đấy. Và còn tệ hơn nữa, biết đâu ngày mai báo chí lại giật tít “Lại cháy...!” cho chiếc xe của bạn?
Kar