Vì sao không nên gác chân lên táp-lô?

(Dân trí) - Không ít người vẫn thích gác chân lên táp-lô khi ngồi ở ghế phụ phía trước; tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng thói quen này có thể khiến bạn phải trả giá đắt.

Vì sao không nên gác chân lên táp-lô? - 1

Thói quen gác chân lên táp-lô còn có thể sẽ khiến bạn gặp những tai nạn vô cùng đáng tiếc, như trường hợp của bà mẹ 3 con người Mỹ sinh sống tại bang Georgia tên là Audra Tatum. Trong một lần di chuyển bằng ô tô cùng chồng, Audra đã giữ nguyên thói quen gác chân lên táp-lô, bất chấp lời khuyên của chồng là không nên làm thế.

Khi chiếc xe đang chạy với vận tốc trung bình trong tầm kiểm soát, bất ngờ có một xe khác đâm vào hông xe của họ, khiến túi khí lập tức bung ra và bẻ ngoặt chân của Audra ra phía sau. Cả phần xương đùi, mắt cá chân, mũi và vai của cô cũng bị tổn thương nghiêm trọng.

Sau khi tiến hành cấp cứu, các bác sĩ cho biết rằng nếu Audra Tatum ngồi bình thường, đặt chân xuống sàn xe thì cô vẫn không sao, khi túi khí đã bung. Tuy nhiên, do gác chân lên táp-lô cho thoải mái, cô đã phải chịu những cơn đau kéo dài tới 2 năm sau đó.


Audra Tatum đang được sơ cứu trong xe (trái) và chân phải bó bột khi tới bệnh viện sau đó (phải)

Audra Tatum đang được sơ cứu trong xe (trái) và chân phải bó bột khi tới bệnh viện sau đó (phải)

“Vụ tai nạn đã khiến công việc và cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỗi giờ phút trôi qua, mỗi khi ấn vào chân, tôi vẫn cảm nhận rõ rệt cơn đau. Bạn đừng bao giờ ngồi gác chân kiểu đó”, cô Audra Tatum hối hận chia sẻ.

Qua tai nạn của mình, Audra muốn cảnh báo thói quen xấu này có thể khiến bạn rơi vào tình huống nguy hiểm không thể lường trước.

Các chuyên gia cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng đừng bao giờ gác chân lên táp-lô khi ngồi ghế phụ bởi khi gặp tai nạn, túi khí bung ra sẽ đẩy chân của bạn ngược lên đầu, đâm vào vai hoặc thậm chí là mắt, vô cùng nguy hiểm.

Một trường hợp khác là cô Grainne Kealy ở Ireland đang gác chân lên táp-lô chiếc Jeep của bạn trai khi xảy ra tai nạn do mặt đường đóng băng trơn trượt, khiến đầu gối cô đập vào mặt với tốc độ gần 200 km/h. Hậu quả là cô đã bị cưa bỏ phần trán và tải qua nhiều cuộc phẫu thuật để tái tạo khuôn mặt.


Grainne Kealy trước và sau khi xảy ra tai nạn

Grainne Kealy trước và sau khi xảy ra tai nạn

Nhiều năm sau đó, cô mới đủ điều kiện sức khỏe để ghép trán giả. Tuy nhiên, những tổn thương với hệ thần kinh thì không thể chữa lành. Cô cho biết mình thường xuyên quên từ khi đang nói chuyện với mọi người và rất hay bị đau đầu khi xung quanh ồn ào, khiến cô bị mất tập trung.

Lý do không nên gác chân lên táp-lô là vì đó là nơi lắp túi khí, nên trong trường hợp xảy ra va chạm mạnh, túi khí sẽ bung rất nhanh, bạn sẽ không kịp rút chân. Theo một người phát ngôn của Sở PCCC Chattanooga (Mỹ), túi khí bung với tốc độ 160-320 km/h. Nếu bạn để chân lên táp-lô và xảy ra tai nạn, túi khí có thể khiếp đầu gối bạn đập xuyên qua hốc mắt.”

Gia Bảo - Nhật Minh
Theo WSBTV, CBS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm