Trung Quốc có thể buộc các hãng xe lớn phải sáp nhập, tinh gọn bộ máy

Nhật Minh

(Dân trí) - Mục tiêu của việc sáp nhập là tạo ra một tập đoàn ô tô đủ lớn để cạnh tranh với hãng xe lớn nhất hiện nay của Trung Quốc và thúc đẩy các doanh nghiệp ô tô nhà nước chuyển đổi sang xe điện.

Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc rất lớn, phát triển nhanh và đôi khi gần như không thể theo kịp diễn biến nếu không có trong tay sơ đồ tổ chức và một chiếc kính lúp. Ngay cả những "ông lớn" của làng xe thế giới, như Toyota và Volkswagen, cũng đang vận hành nhiều liên doanh, sản xuất những mẫu xe có phần trùng lặp.

Trung Quốc có thể buộc các hãng xe lớn phải sáp nhập, tinh gọn bộ máy - 1

Trung Quốc hiện có hàng trăm thương hiệu ô tô lớn nhỏ (Ảnh minh họa: Carscoops).

Với hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ, trong đó có nhiều thương hiệu thuộc sở hữu nhà nước, đang chen chúc trong một thị trường ngày càng cạnh tranh, chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy một cách tiếp cận tinh gọn hơn, hiệu quả hơn. Mục tiêu là hợp nhất các nhà sản xuất ô tô lớn có vốn nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, giảm sự dư thừa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Phát biểu tại một sự kiện gần đây ở Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã kêu gọi các hãng xe tái cơ cấu và điều chỉnh lại hoạt động. Theo hướng này, việc chia sẻ nguồn lực nghiên cứu phát triển và sản xuất có thể giúp các công ty cạnh tranh hiệu quả hơn, đặc biệt là với các hãng xe tư nhân năng động.

Theo trang Nikkei Asia, Ủy ban này giám sát khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước, bao gồm Chongqing Changan Automobile, Dongfeng Motor Corp và China FAW Group.

Hồi tháng 2, tờ South China Morning Post đưa tin chính phủ đang cân nhắc đưa Dongfeng và Changan về chung một nhà, thành lập một tập đoàn mẹ. Nếu điều đó thành sự thật, tập đoàn mới này có thể vượt qua BYD để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, một sự thay đổi lớn trong cục diện ngành công nghiệp ô tô nước này.

"Tái cơ cấu sẽ là bước tiến lớn trong việc hợp nhất ngành công nghiệp ô tô và có ý nghĩa rất lớn đối với tương lai dài hạn của ngành ô tô Trung Quốc", một nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định về khả năng sáp nhập như trên.

Năm ngoái, Changan bán được 2,68 triệu xe, còn Dongfeng bán được 2,48 triệu xe. Tuy nhiên, cả hai đều không theo kịp BYD trong cuộc đua xe điện và không đạt mục tiêu doanh số xe điện trong năm.

Ông Ivan Li, quản lý quỹ tại công ty đầu tư Loyal Wealth Management, cho biết, thông báo của hai công ty dường như đang úp mở khả năng sáp nhập doanh nghiệp ô tô lớn thuộc sở hữu nhà nước. Ông cũng cho rằng chính phủ có thể xem hợp nhất là cách để giảm bớt cạnh tranh nội bộ và tăng khả năng thành công bền vững cho toàn ngành.

Dù hiệu suất xe điện còn thấp, nhưng cả hai công ty vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái ô tô rộng lớn hơn của Trung Quốc. Dongfeng hiện có các liên doanh với Nissan, Honda, Peugeot và Citroen. Trong khi đó, Changan hợp tác với Ford và Mazda.

Các mối quan hệ trên có thể khiến quá trình sáp nhập thêm phức tạp, nhưng cũng cho thấy giá trị chiến lược của cả hai doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.

Theo Carscoops