Trung Quốc cấm quảng cáo ô tô có khả năng tự lái

Nhật Minh

(Dân trí) - Cơ quan quản lý Trung Quốc muốn chấn chỉnh hoạt động quảng cáo và thử nghiệm các tính năng hỗ trợ lái của ô tô.

Hãy tưởng tượng nếu mỗi nhà sản xuất ô tô lại sử dụng thước đo khác nhau để nói về khả năng tăng tốc của xe. Có hãng có thể dùng thời gian tăng tốc 0-96km/h như phổ biến hiện nay, hoặc tăng tốc 0-200km/h, trong khi có hãng dùng dải tốc độ khác, khiến người mua không thể so sánh xe nào nhanh hơn.

Và đó chính là tình trạng hiện nay của công nghệ hỗ trợ lái mà các nhà quản lý Trung Quốc muốn chấn chỉnh.

Trung Quốc cấm quảng cáo ô tô có khả năng tự lái - 1

Trung Quốc cấm các nhà sản xuất ô tô sử dụng các cụm từ chung chung kiểu "chế độ lái thông minh" khi quảng cáo xe (Ảnh minh họa: The Innovator).

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) đã công bố dự thảo quy định hạn chế hoạt động quảng cáo và kinh doanh các tính năng hỗ trợ lái. Theo đó, các hãng không được dùng các cụm từ như "chế độ lái thông minh" (smart driving hoặc intelligent driving), "chế độ lái tự động" (autonomous driving) thường được sử dụng hiện nay khi quảng cáo các hệ thống hỗ trợ lái nâng cao (ADAS).

Thay vào đó, các hãng phải nêu rõ công nghệ hỗ trợ lái ở mức nào trong 6 mức độ lái tự động L-code theo phân loại của Hiệp hội Kỹ sư ô tô (SAE). Theo đó, Cấp độ 0 tức là không có bất kỳ tính năng hỗ trợ lái nào, và Cấp độ 5 là xe có khả năng tự lái hoàn toàn.

Hiện tại có hệ thống Drive Pilot của Mercedes-Benz đạt Cấp độ 3, còn công nghệ của các hãng khác chỉ ở Cấp độ 2, bao gồm cả tính năng hỗ trợ lái hoàn toàn của Tesla.

Một thay đổi lớn khác là MIIT cấm các tính năng điều khiển xe tự hành từ xa như của Tesla (Actually Smart Summon), cho phép ô tô tự di chuyển mà không cần tài xế ngồi sau vô lăng.

MIIT cũng yêu cầu các hệ thống giám sát tài xế không thể bị vô hiệu hóa và cần thúc giục giảm tốc độ, tấp xe vào lề hoặc kích hoạt đèn khẩn cấp nếu phát hiện tay tài xế không đặt trên vô lăng trong 60 giây.

Việc thử nghiệm các tính năng ADAS mới thông qua việc nâng cấp phần mềm giờ đây cũng bị cấm, và MIIT muốn các hãng xe giảm tần suất cập nhật trực tuyến.

Tất cả các biện pháp trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người thiệt mạng. Tài xế được cho là đã đâm chiếc xe điện Xiaomi SU7 vào cột ở tốc độ khoảng 97km/h vài giây sau khi giành lại quyền kiểm soát xe từ hệ thống lái tự động.

Đây cũng là thời điểm ngành ô tô Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển công nghệ ADAS và dùng chúng làm yếu tố thu hút khách hàng để bán các mẫu xe mới.

Theo Car News China