Toyota Việt Nam đã có kế hoạch ra mắt ô tô thuần điện
(Dân trí) - Đó là lời khẳng định của đại diện Toyota Việt Nam, nhưng trước mắt, hãng sẽ tập trung vào dải sản phẩm xăng lai điện (hybrid).
Trong khuôn khổ tọa đàm "Ngành công nghiệp ô tô tiếp cận đa chiều, hướng tới trung hòa carbon" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 22/9, khi được hỏi về chiến lược phát triển sản phẩm để hướng tới mục tiêu chung là giảm phát thải, đại diện của Toyota Việt Nam (TMV) đã hé lộ thông tin thú vị.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban kế hoạch kinh doanh của TMV - cho biết, hãng đã có kế hoạch ra mắt ô tô thuần điện nhưng không phải là trong tương lai gần. Trước mắt, hãng sẽ tập trung phát triển các dải sản phẩm xăng lai điện (hybrid).
"Xe hybrid có thể giúp Việt Nam giảm phát thải ngay lập tức, không cần đầu tư hạ tầng hay thay đổi thói quen của người dùng. Tùy thời điểm, nhu cầu của người dân và chính sách, định hướng của Nhà nước, TMV sẽ chọn loại công nghệ phù hợp nhất với thị trường để giới thiệu", vị này chia sẻ.
"Dự báo, thị trường Việt Nam sẽ bán ra khoảng 1 triệu xe/năm vào năm 2030. Trong đó, tỉ lệ xe điện và xe điện hóa dự kiến sẽ chiếm khoảng 30%, tức là có nghĩa 70% còn lại (700.000 xe) vẫn là các dòng sản phẩm sử dụng động cơ đốt trong.
Làm thế nào để khách hàng vẫn mua được xe, mà lại có thể giảm được phát thải? TMV đã cùng các đối tác nghiên cứu về năng lượng xanh và "tia sáng ban đầu" là nhiên liệu sinh học", ông Hiếu bổ sung.
Ngoài việc sử dụng công nghệ hợp lý để giúp sản phẩm giảm phát thải, ông Hiếu cho biết, Toyota có định hướng tiếp cận đa chiều nhằm trung hòa carbon vào năm 2050. Cụ thể, hãng xe Nhật đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 ngay từ khâu sản xuất linh kiện, lắp ráp xe, phân phối đại lý.
Thậm chí, việc thải bỏ các dòng xe cũ trong tương lai cũng cần có cơ chế. Toyota sẽ nghiên cứu việc sử dụng các vật liệu mang tính thân thiện với môi trường.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: "Chúng ta phải nghiên cứu để biến Net-zero (phát thải ròng bằng 0) thành một vòng khép kín hoàn toàn, từ lúc sản xuất cho đến tiêu dùng và thải bỏ.
Khái niệm "từ giếng dầu đến bánh xe" là quá trình chuyển đổi năng lượng, từ nhiên liệu hóa thạch cho đến dầu mỏ và cuối cùng là thành nhiên liệu giúp các phương tiện vận hành. Mỗi bước chuyển đổi đều phát thải CO2 và việc chúng ta cần làm là nghiên cứu cách thức để giảm phát thải hết sức có thể".
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trung hòa carbon, bà Nguyễn Thị Phương Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) - dẫn nguồn dữ liệu từ Cục Đăng kiểm cho thấy lượng phương tiện vận hành trên toàn quốc đến hết 31/12/2022 đạt 5,85 triệu ô tô và hơn 72 triệu xe máy.
"Xét tổng phát thải của quốc gia trong khối ASEAN (Đông Nam Á), chúng ta đang ở mức thứ 2 nhưng trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt chỉ tính riêng phát thải giao thông đường bộ, chúng ta ở mức giữa, sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia", bà Hiền cho biết.